Quy trình báo động đỏ được áp dụng tại đây sẽ “chạy đua” từng giây, từng phút để kiểm soát thấp nhất tổn thương não cho bệnh nhân (BN) bằng các kỹ thuật hiện đại nhất về điều trị đột quỵ như tiêu sợi huyết tĩnh mạch, can thiệp lấy huyết khối, nút túi phình bằng coil và stent chuyển dòng, mổ mở sọ lấy máu tụ, dẫn lưu não thất, mổ kẹp clip túi phình, đặt stent mạch máu, mổ bóc tách nội mạch động mạch cảnh…
BS CKII Dương Quang Hải, Phó trưởng khoa Đột quỵ (BVĐN), cho biết, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023, đã tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho hơn 2.000 ca đột quỵ. Trong số này đã có 85% BN được cứu sống, BN phục hồi sức khỏe và sức lao động ở mức gần với trước đó chiếm hơn 65%, với điều kiện BN phải được can thiệp sớm tính bằng từng giây, từng phút để hạn chế thấp nhất tổn thương não.
“Khi thấy xuất hiện các triệu chứng như yếu liệt một bên tay chân, rối loạn cảm giác ở một bên tay chân, méo miệng, liệt một bên mặt, giọng nói thay đổi, nói khó… là những dấu hiệu dễ nhận biết nhất về đột quỵ. Ngoài ra còn có những dấu hiệu khác như bỗng nhiên chóng mặt, rối loạn thị giác, cũng nên được đến bệnh viện để kiểm tra và phát hiện sớm”, BS Hải tư vấn.
Chặn nguy cơ đột quỵ tái phát
Muốn biết mình có trong nhóm nguy cơ cao đột quỵ hay không thì các BS khuyên BN nên đi khám, tầm soát đột quỵ. Cụ thể là kiểm tra nhóm bệnh lý tăng huyết áp, tăng đường huyết, có rối loạn, xơ vữa mạch máu… Đặc biệt, sẽ nhận diện các dị dạng mạch máu não, nhận biết được các vấn đề về tim mạch, nhất là các chứng rối loạn nhịp tim, hoặc bị hẹp, hở van tim…
“Đối với từng trường hợp đột quỵ, BN cần tầm soát nguyên nhân gốc như các bệnh lý cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, xơ vữa mạch máu, rối loạn đông máu, hẹp động mạch lớn… để có phác đồ điều trị dự phòng theo từng nguyên nhân”, BS Hải tư vấn.
Các BS cũng đặc biệt lưu ý, có nhiều BN được cấp cứu và điều trị khỏi nhưng do chủ quan dẫn đến đột quỵ tái phát. Chủ quan ở đây là tự ý bỏ thuốc chống đông, thuốc dự phòng tình trạng tắc mạch, không tái khám dự phòng đối với các chứng bệnh hẹp mạch, nghẽn mạch, bất thường tim mạch… Đặc biệt, việc lạm dụng thực phẩm chức năng và các thuốc được quảng cáo ngừa đột quỵ cũng khiến BN chủ quan với tình trạng nguy cơ cao của mình.
“Sẽ có 30% trong số người từng bị đột quỵ xuất hiện các cơn đột quỵ tái phát sau 5 năm. Vì vậy việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ và dự phòng theo từng nguyên nhân bệnh, có sự theo dõi và chỉ định của bác sĩ rất quan trọng. Nếu kiểm soát tốt nguyên nhân đối với từng trường hợp cụ thể thì có thể giảm nguy cơ tái phát đến 80-90%”, BS Hải tư vấn.
TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc BVĐN cho biết, BV Đà Nẵng được Tổ chức Đột quỵ thế giới trao chứng chỉ chất lượng Platinum (hạng bạch kim) cho nỗ lực cấp cứu và điều trị đột quỵ tại VN trong nhiều năm qua. BVĐN sẽ tiến đến xây dựng Trung tâm Đột quỵ với đầy đủ các chức năng như đột quỵ can thiệp, đột quỵ xử lý tái thông, đột quỵ phục hồi, nguy cơ tái phát đột quỵ. “Tiêu chí kết nối và chăm sóc BN sau đột quỵ sẽ được chúng tôi ưu tiên để giúp kiểm soát tốt bệnh, ngăn chặn tái phát, vì đột quỵ lần sau sẽ nặng hơn, nguy cơ tử vong cao hơn, xác suất tổn thương thần kinh gây liệt sẽ nặng hơn…”, TS-BS Lê Đức Nhân nói.