Dùng các hoạt động văn hóa làm ngoại giao đã có từ lâu trong lịch sử. Bất cứ nước nào muốn thể hiện tình cảm, suy nghĩ, thiện chí với nước khác đều dùng hoạt động nào đó. Về mặt truyền thông, đó là vật mang tin, có thể là một bài thơ, một sứ đoàn, có thể là một chương trình nghệ thuật hay thể thao.
Ở mức độ 1, nếu mang một sự kiện văn hóa của nước này sang nước kia đó là hoạt động bình thường nhưng cao hơn, sâu hơn làm các dự án văn hóa chung ở nước thứ 3. Đơn cử là Pháp và Đức với Dự án Élysée ký năm 1963. Hai nước có một quỹ chung và mời nghệ sĩ của Pháp và Đức cùng sáng tạo một tác phẩm rồi biểu diễn ở nước thứ 3.
Năm 2009, trong khuôn khổ dự án này, hai biên đạo nổi tiếng của Đức và Pháp là Raphael Hillebrand và Sébastien Ramirez đã sang Việt Nam thông qua lời mời của Viện Goethe Hà Nội và Trung tâm Văn hoá Pháp L’Espace để dàn dựng vở múa Nhiều mặt. Những vũ công xuất sắc nhất của nhóm nhảy Big Toe đã được tuyển chọn và phải tham gia một quá trình tập luyện nghiêm khắc chuẩn bị cho vở múa trước khi chính thức công diễn tháng 2/2011.
Vở opera Công nữ Anio với ê-kíp có cả người Việt Nam và Nhật Bản, mang thông điệp ra bên ngoài là sự kết nối giữa hai nước rất sâu đậm chứ không đơn thuần là một sự kiện. Việc dùng văn hóa để ngoại giao giữa các nước là hoạt động phổ biến. Nó không chỉ diễn ra quy mô của nhà nước mà còn ở quy mô doanh nghiệp.
2023 là năm nở rộ của các hoạt động ngoại giao văn hóa vì kỷ niệm 50 năm của hàng loạt nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau Hiệp định Paris 1973. Tuy nhiên, theo tôi không phải đợi các dịp kỷ niệm mới đẩy mạnh các hoạt động văn hóa mà nên biến nó thành cái gì đó cao hơn. Cần có sự kết hợp giữa nghệ sĩ hai hoặc nhiều nước để nâng ngoại giao văn hóa lên tầm cao mới.
Ngay từ khi trở thành Nhà thiết kế (NTK) áo dài, Hoa hậu Ngọc Hân tự đặt câu hỏi là làm sao để các thiết kế của mình có nét riêng, trong bối cảnh nhiều NTK áo dài đã đi trước và thành công. Sau thời gian dài suy nghĩ, tôi đã lựa chọn slogan: “Tinh hoa văn hóa thế giới hội tụ trong tà áo dài Việt”. Vì theo đuổi định hướng đó từ lâu nên Ngọc Hân có nhiều bộ sưu tập áo dài được lấy cảm hứng từ văn hóa của nhiều quốc gia – những nơi cô có dịp đi qua.
”Tôi thấy tà áo dài nói riêng và thời trang nói chung là cầu nối văn hóa mềm mại, qua đó bạn bè quốc tế gần gũi với chúng ta hơn, cảm nhận nhiều về văn hóa Việt Nam. Đó là hình thức trao đổi văn hóa đẹp, dễ dàng và không bị khô cứng.
Tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng đặc biệt, thiết kế cho các nguyên thủ quốc gia và phu nhân khi sang Việt Nam rồi Đại sứ, cán bộ ngoại giao khi làm việc ở Việt Nam. Với mỗi đơn hàng như vậy, tôi cần thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa nước bạn, xem những yếu tố nào nhạy cảm không nên đưa lên tà áo. Những điều ấy tôi làm quá quen nên rất tự tin khi thiết kế và gửi món quà đến các vị khách đặc biệt một cách chỉn chu nhất.
Có chồng làm trong Bộ Ngoại giao, tôi thấy anh giống như người bạn đồng hành. Ông xã thường chia sẻ động viên, thậm chí giúp đỡ tôi nhiều trong việc thiết kế các tà áo dài văn hóa. Anh còn tư vấn về hoa văn, họa tiết, màu sắc đặc trưng của văn hóa.
Tôi rất thích một việc mà nhiều nước làm thành công, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản. Ví dụ đến Kyoto, Osaka, khách du lịch dễ dàng thuê trang phục truyền thống và tham quan những di tích, ai cũng hào hứng chụp ảnh đăng trên mạng xã hội. Đó là cách thiết thực để bạn bè họ nhìn thấy và muốn trải nghiệm ở nước đó.
Tôi thấy đây là cách giúp lan tỏa thời trang Việt ra thế giới cũng như khiến bạn bè thế giới hiểu về văn hóa và trang phục truyền thống của chúng ta. Nhà nước có thể hỗ trợ các NTK những mặt bằng đẹp ở phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An, lăng tẩm tại Huế… Nhờ đó, các NTK có thể mang đến những bộ áo dài đẹp của mình cho khách du lịch trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa Việt. Đây là cách hữu hiệu để quảng bá văn hóa mà không tốn nhiều chi phí, hiệu quả nhìn thấy ngay.
Ví dụ nhiều người đến Huế rất thích thuê những bộ cổ phục để mặc nhưng chủ yếu là khách Việt. Khách quốc tế khó tiếp cận vì địa điểm thuê khá xa, chưa có thông tin cụ thể. Du khách quen sử dụng app trải nghiệm du lịch như K-look, mình có thể hợp tác với những app này để hướng dẫn khách du lịch thuê trang phục truyền thống của Việt Nam.
Tôi thấy các hoạt động ngoại giao văn hóa diễn ra dày đặc gần đây là những tín hiệu mừng vì theo quy luật, khi no đủ người ta mới nghĩ tới vui chơi giải trí. Điều đó chứng tỏ kinh tế đi lên, đã đến tầm đầu tư cho văn hóa và việc đầu tư không dừng lại ở trong nước mà hướng ra cả quốc tế.
Thêm nữa không chỉ có Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa mà các bộ ngành khác cũng yêu thích và chú trọng phát triển văn hóa, mang văn hóa Việt ra toàn cầu. Tôi tự hào vì các hoạt động ngoại giao văn hóa mang lại nhiều cơ hội cho đồng nghiệp của tôi cũng như thổi luồng gió mới cho nghệ thuật nước nhà”.
Tháng 10 vừa qua, Dàn nhạc giao hưởng mang tên Dàn nhạc Giao hưởng Lễ hội Việt – Nhật với nghệ sĩ được tuyển chọn từ các dàn nhạc tiêu biểu của cả hai nước nằm trong chuỗi hòa nhạc tại 6 sân khấu ở 6 thành phố lớn của Nhật đã diễn ra vô cùng ấn tượng. Khi biểu diễn ở bất cứ đâu, là nhạc trưởng – Đồng Quang Vinh luôn muốn có sự tham gia của các nghệ sĩ nước bạn vì điều đó mang tính đối xứng. Ngoài ra còn chứng tỏ khái niệm âm nhạc không có biên giới, sẽ được công chúng đón nhận nhiều hơn.
Khi nhạc trưởng chưa kịp đưa ra ý tưởng đó thì phía Nhật Bản chủ động đề xuất dàn nhạc sẽ có một nửa là nghệ sĩ Việt Nam, một nửa là nghệ sĩ Nhật Bản, những nghệ sĩ xuất sắc nhất được tuyển chọn từ hai nước. Ai cũng nỗ lực hết sức vì đang mang hình ảnh của hai quốc gia. Ngoài 2 tác phẩm kinh điển là Giao hưởng số 5 – Định mệnh của Beethoven và Piano concerto số 1 của Chopin, các buổi diễn mở đầu là những tác phẩm kinh điển của Việt Nam và kết thúc là tác phẩm của Việt Nam và Nhật Bản được Đồng Quang Vinh phối khí lại.
”Khán giả khi nghe nghệ sĩ Việt Nam chơi nhạc của Nhật Bản rất vui. Chúng tôi được khán giả đón nhận bằng nước mắt và những tràng pháo tay dài đến nỗi các nghệ sĩ phải đi vào lại sân khấu đến 5-6 lần để chào đáp lễ lại những tràng pháo tay vang dội và kiên trì của khán giả. Sau đó, nhiều người liên lạc với tôi, nói muốn đến Việt Nam du lịch, tới nơi tôi làm việc và xem các chương trình của nghệ sĩ Việt cũng như sang Việt Nam biểu diễn.
Quảng bá âm nhạc Việt Nam ra thế giới rất quan trọng. Tôi có một số bạn học mang đàn T’Rưng sang Mỹ chơi, được thầy hiệu trưởng Harvard quan tâm đưa vào các chương trình nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Harvard – ngôi trường hàng đầu thế giới đánh giá cao văn hóa truyền thống của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sau này khi đi diễn ở nhiều nước với nhạc cụ Việt Nam, mỗi lần chơi xong khán giả xúm vào xem đàn bầu, đàn T’rưng và không cho mình về.
Các quốc gia Âu-Mỹ có nền kinh tế đi trước ta rất nhiều nhưng họ luôn khát khao được biết nhiều hơn về các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nước ta có 54 dân tộc phong phú, văn hóa lịch sử cả nghìn năm. Mình sống ở Việt Nam quen thấy bình thường nhưng với người nước ngoài cực kỳ gây chú ý. Vậy tại sao không mang những nhạc cụ truyền thống ra nước ngoài để làm đẹp hình ảnh đất nước?”.
Thiết kế: Hồng Anh
Vietnamnet.vn