Mảng âm nhạc ít khoa trương hơn nhưng cốt lõi bên trong có khi lại đáng bàn hơn.
Tiếp nối tinh thần rock phiêu diêu (psychedelic rock) đã được đặt nền móng trong album Gieo hai năm trước, EP Suýt 1 mới phát hành cuối tháng 2 là hành trình tiếp theo của ban nhạc Ngọt để đi sâu hơn vào cõi tâm tưởng của ảo giác và những trải nghiệm thoát trần.
Nếu như Gieo đôi khi giống như một phiên bản “chuyển thể” mượt mà của âm nhạc The Beatles cuối thập niên 1960 sang ngôn ngữ âm nhạc indie Việt hiện đại, thì chỉ với bốn ca khúc do hai thành viên Vũ Đinh Trọng Thắng và Phan Việt Hoàng đồng sáng tác, Suýt 1 thể hiện cách Ngọt bứt ra khỏi tầm ảnh hưởng từ các thần tượng của họ.
01 Chuyện Dở Dang
Suýt 1 bắt đầu bằng 01 Chuyện dễ dàng với những ảo tưởng ở cấp độ đơn thuần nhất là ảo tưởng tình yêu, mà rõ ràng cả phần âm nhạc lẫn ngôn từ đều vương vấn từ thời kỳ thực hiện Gieo với những tứ tương tự như “Xin lỗi em, vì đã cầm tay của em trong đầu mình”.
Sang đến 02 Mơ làm ma thì tầng bậc ảo tưởng đã nâng lên thành một trải nghiệm xuất hồn khi nhân vật trữ tình thấy mình bỗng nhiên bay lên và trở nên vô hình.
Tiếng guitar điện khi ẩn khi hiện, tiếng trống dồn dập, phần song ca bốc đồng giữa Thắng và nữ rocker khách mời Thỏ Trauma kéo ta xa hơn khỏi thực tại. Cách ngắt bất thình lình ở đoạn kết càng tạo thêm hiệu ứng chơ vơ trong thinh không.
Sau đó, 03 Hay là chứng minh Thắng đích thực là một trong những người viết lời ca khúc hay nhất hiện nay với thể nghiệm thơ lục bát trữ tình trong rock, thậm chí tận dụng cách xưng hô “mình” – “tôi” cùng thủ pháp đối chiếu giữa cảnh nhà người và cảnh nhà ta vốn thân thuộc trong ca dao miền Bắc.
Chẳng hạn: “Bên người ta có không gian/ Bên người ta có cơ man bạt ngàn/ Thương nhà tôi mỗi ba gian/ Một gian đằng ấy, hai gian đằng này/ Thương nhà tôi mỗi nhiêu đây/ Hay là cứ nghĩ nhiêu đây được rồi?”.
Trong khi đó, 04 Thắp hương và 05 Hóa vàng cho thấy người ta không nhất thiết phải dựa vào nhạc cụ dân tộc để tạo ra bầu không khí dân gian đương đại.
Mà thậm chí thêm tiếng sáo trúc chỗ này, tiếng đàn tranh chỗ kia cũng chưa chắc đã ra chất dân gian đương đại.
Ở đây, tiếng guitar điện, bass, trống, keyboard của Ngọt cùng tiếng saxophone của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc làm nên một ca khúc jazz fusion liên tục biến đổi từ sự chắc nảy ban đầu cho đến sự phiêu dật, siêu trần về cuối với tiếng hát “lên đồng” của Thắng.
Rồi tiếng tụng kinh hòa trong ngẫu hứng kèn đồng, hoàn toàn đồng nhất với nội dung ca khúc về một buổi tảo mộ, mới đầu có vẻ rất hiện thực nhưng khi nhang hương thắp lên mịt mù thì một cõi khác hiện ra.
Trước Ngọt, một ban nhạc indie khác là Chillies cũng phát hành một sản phẩm dù không nhiều thể nghiệm bằng nhưng cũng tham vọng, đó là single Đại lộ mặt trời, với một phiên bản kết hợp với Morisaki Win – giọng ca chính của nhóm nhạc Nhật PrizmaX.
MV Đại lộ mặt trời sử dụng những thước phim ở Tokyo của Chillies, bắt đầu bằng giao lộ Shibuya – biểu tượng cho không gian đô thị đầy năng lượng, trùng khớp với không gian âm nhạc thênh thang trong ca khúc.
Vẫn là những câu chuyện tình buồn khiến ta yêu mến Chillies từ buổi đầu, Đại lộ mặt trời lại có một giai điệu tươi sáng, lạc quan, gợi nhớ đến ban nhạc rock thần tượng flumpool một thời đình đám ở Nhật.
Việc kết hợp với nghệ sĩ nước ngoài tuy mang đến cảm giác mới mẻ nhưng không dễ, nếu không khéo có thể tạo ra cảm giác buổi giao lưu văn hóa.
Nhưng với Chillies thì sự kết hợp với nghệ sĩ Nhật dường như là một bước phát triển tự nhiên, khi mà lâu nay âm nhạc mà họ theo đuổi đã chịu ảnh hưởng từ rock Nhật trong những năm 2000, khi mà yếu tố rock được gia giảm và mềm hóa, tiến gần tới pop.
Dù hành trình Nhật tiến thành hay bại thì ban nhạc cũng đã tiên phong một con đường mới.
Không có những câu chuyện hậu trường rôm rả, không có kế hoạch truyền thông tinh vi, bữa ăn âm nhạc indie gần như chỉ phục vụ đúng một điều: âm nhạc. Nhưng khi món chính đủ ngon thì cũng không cần khai vị hay tráng miệng nữa.