Nhà văn Mã A Lềnh, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, sinh năm 1943 ở xã Trung Chải, huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Ông là một trong những đại diện tiêu biểu của nhà văn người dân tộc thiểu số, thành công ở nhiều thể loại khác nhau từ truyện ngắn, bút kí, thơ, kịch bản phim, sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian… Ông vừa qua đời sáng 21/1 tại nhà riêng, hưởng thọ 82 tuổi.
Nhà văn Mã A Lềnh vốn là thầy giáo. Đến năm 1978, ông chuyển công tác về Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ). Ông từng giữ cương vị cán bộ chủ chốt tại Hội Văn học – Nghệ thuật Hoàng Liên Sơn, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Lào Cai, Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lào Cai.
Ông sáng tác rất nhiều thể loại khác nhau, trong đó có thể nhắc tới một số tác phẩm tiêu biểu như truyện “Rừng xanh”, tạp luận “Tần ngần trước văn chương”, tập ký “Chộn rộn đường xuân”, truyện thiếu nhi “Làng mình”, cuốn “Tiếp cận văn hóa Hmông” và gần nhất là tập ký “Một vùng rực trời hoa gạo” ra mắt năm 2021. Ông đã nhận Tặng thưởng của Hội Nhà văn và Ủy ban Dân tộc, Giải thưởng của Ủy ban liên hiệp Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam; Giải thưởng Phan Xi Păng; Giải thưởng của Hội VHNT các DTTS Việt Nam…
Người đàn ông gần cả cuộc đời trót “nặng gánh đèo bòng” với duyên nợ văn hóa dân tộc Mông là nhà văn Mã A Lềnh. Trong số bạn văn thân tình của ông, có người gọi ông là Lão Mã, Mã Tiên Sinh hay Mã Vương. Có người trân trọng gọi là “thầy Lềnh” vì ông đã từng làm thầy giáo vùng cao và có cái vóc dáng người thầy. Một số bạn trẻ trong giới văn chương, thi ca lại thân mật gọi ông bằng “bố”. Tiếp xúc với ông, tôi cảm nhận “Lão Mã” là một người chính trực, thẳng thắn, phóng khoáng, giàu lòng trắc ẩn.
Sinh ra ở mảnh đất vùng cao, cậu bé Mã A Lềnh đã sớm chịu thiệt thòi vì mẹ mất sớm. Mặc dù bố cậu lúc ấy là Chủ tịch xã, nhưng kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. Cậu bé Lềnh một buổi đi học, một buổi lên rừng đốn củi, chăn trâu, làm nương… Ngày ấy, ngôi nhà của cha con Mã A Lềnh ở chon von bên sườn núi, phía dưới có một quốc lộ đi qua. Chiều chiều, cậu bé Lềnh đứng từ sân nhà nhìn xuống con đường có xe ô tô chạy qua và thả hồn mơ ước một ngày nào đó được băng qua dãy núi, đặt chân đến Thủ đô Hà Nội xa xôi- nơi cậu mới chỉ mường tượng qua những trang sách.
Năm 1958, Mã A Lềnh được vào học tại Trường Thiếu nhi Miền núi tỉnh Lào Cai rồi trở thành thầy giáo dạy chữ cho học sinh trong làng ở vùng cao Trung Chải. Mỗi buổi lên lớp, thầy Lềnh luôn mang đến cho các em học sinh cả thế giới chuyện cổ tích khiến trò nào cũng mê say. Không chỉ giảng hay, thầy Lềnh còn hướng dẫn cho các em tăng gia sản xuất, khoanh đất làm vườn trồng rau cải, nuôi gà tại trường. Vào ngày cuối tuần, thầy cùng trò lại hăng hái lên rừng đốn củi để mang đi bán lấy tiền giúp đỡ các em học sinh nghèo…
Qua hơn chục năm dạy học, thầy Mã A Lềnh được điều động về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Sa Pa, rồi Ty Giáo dục tỉnh Lao Cai (nay là Sở Giáo dục tỉnh Lào Cai) chuyên trách về vùng cao, sau đó chính thức gắn bó với nghiệp văn chương. “Xuống núi” an cư cùng gia đình tại TP. Lào Cai, trở thành “cư dân đô thị miền núi” nhưng đôi chân ông quanh năm bươn bả khắp các bản làng người Mông vùng Tây Bắc. Lúc ông dẫn đoàn làm phim của Đài Truyền hình Việt Nam vượt núi lên các bản làng người Mông để quay phim tài liệu. Lúc một mình một tay nải lang thang đi gom nhặt những câu chuyện trong đời sống sinh hoạt của bà con dân bản để đưa vào trang viết. Lúc ông lại rong ruổi cùng các nhà khoa học đi điền dã, sưu tầm những phong tục, tập quán, lễ nghi văn hóa của cộng đồng người Mông để tập hợp thành cuốn sách “Tiếp cận văn hóa Hmông”- một công trình nghiên cứu dày công, tâm huyết của chính tác giả xuất bản năm 2014.
Cho đến nay, Mã A Lềnh đã có một “gia tài” kha khá gồm hơn 30 cuốn sách đủ các thể loại, từ truyện, kí, thơ đến sách nghiên cứu, sách cho thiếu nhi. Ông viết song ngữ cả tiếng Mông lẫn tiếng Việt, với mục đích vừa để cho người dân tộc mình đọc, góp phần hội nhập và cũng vừa để quảng bá cho dân tộc mình với các dân tộc anh em. Ông trăn trở: “Chữ này sắp mất rồi. Chỉ còn vài người lưu giữ. Thôi, cứ viết, để kỷ niệm một thời…” Có lẽ chỉ những ai yêu dân tộc mình, thương dân tộc mình, hiểu đến tận gốc rễ ngọn nguồn dân tộc mình như ông mới làm được như thế.
Là nhà văn, lúc nào Mã A Lềnh cũng đau đáu hướng về văn hóa, cội nguồn dân tộc. Ông cần mẫn dốc hết sức, hết lòng đem nó đi xa. Đó là phận sự, là sứ mệnh của người con quê hương mà Mã A Lềnh ý thức rõ ràng. Ông hiểu rằng, nhà văn chính là một nhà văn hóa, nên phải tự trau dồi vốn hiểu biết về văn hóa dân tộc mình, quê hương mình để hội nhập nhưng không hòa tan. Trong các tác phẩm của mình, Mã A Lềnh đi sâu mô tả thế giới nội tâm của người miền núi, trong bối cảnh đổi thay của thời cuộc và trong quá trình tiếp cận với thế giới văn minh. Qua đó, người đọc dễ dàng hình dung ra không gian, tập tục rất lạ, rất độc đáo của người miền núi. Ông đã luôn viết bằng tất cả ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết chảy ra từ trái tim. Ngọn lửa ấy không chỉ sưởi ấm trái tim cho cộng đồng người Mông qua những trang văn mà còn mang đến cho độc giả trong cả nước một bản sắc văn hóa Mông không thể trộn lẫn với các dân tộc khác.