Cuộc chạy đua “bóp băng thông” thời 3G
Năm 2016, khi cuộc đua phát triển thuê bao 3G của nhà mạng lên đến cao trào với các gói cước “bóp băng thông” liên tiếp được tung ra, đã gây nên hệ lụy cho thị trường. Tại thời điểm đó cả 3 mạng di động là VinaPhone, MobiFone và Viettel đều đưa ra gói cước 70.000 đồng/tháng, sẽ được 1,6 Gb dữ liệu 3G, nhưng khi hết dung lượng này thì khách hàng không sử dụng được dịch vụ 3G nữa, thay cho gói cước 70.000 đồng chỉ có 600 Mbps dung lượng 3G, sau khi hết sẽ bị bóp băng thông.
Những gói cước ‘bóp băng thông” được tung ra lúc đó làm khách hàng cảm nhận chất lượng 3G của nhà mạng ở mức “tồi tệ”. Có khá nhiều khách hàng phàn nàn về chất lượng 3G của nhà mạng, thế nhưng nhà mạng cho biết, đa phần những phản ánh này là do khách hàng sau khi hết dung lượng 3G sẽ bị “bóp băng thông”, nên chất lượng rất thấp. Các mạng di động đều khẳng định hiện dung lượng 3G mà khách hàng sử dụng không mạng nào vượt qua con số 40% năng lực của mạng 3G, nên không có chuyện bị nghẽn di động khách hàng sử dụng.
Tại thời điểm đó, một số tổ chức quốc tế như OpenSignal, Akamai đã xếp hạng tốc độ 3G tại Việt Nam thậm chí còn thấp hơn cả Lào và Campuchia khiến dư luận rất băn khoăn có đúng là mạng 3G của Việt Nam thực sự chậm như vậy? Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) nhấn mạnh, mỗi tổ chức thường có những phương pháp đo và thuật toán khác nhau. Song thường thì họ không bao giờ tính toán được hết các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ truy nhập Internet như gói cước mà nhà mạng áp dụng, loại smartphone mà người dùng sử dụng, công nghệ và chính sách của các nhà mạng, máy chủ cung cấp nội dung…
Để tránh lặp lại tình trạng các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá thấp tốc độ 3G của Việt Nam, Cục Viễn thông cho rằng, gốc rễ vấn đề nằm ở việc các nhà mạng phải điều chỉnh hợp lý chính sách gói cước của mình. Việc bóp lại băng thông sau khi khách hàng dùng hết dung lượng cao sẽ khiến cho tốc độ trung bình của cả gói rất thấp. “Nhà mạng cần nghiên cứu chính sách cước hài hòa giữa quyền lợi người dùng với doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo nâng cao được tốc độ truy cập Internet cho các thuê bao di động tại Việt Nam”, đại diện Cục Viễn thông nói.
Sau đó, các nhà mạng đã cam kết từ bỏ gói cước 3G “bóp băng thông”, để khách hàng trải nghiệm chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Gói cước “bóp băng thông” lại tái xuất giang hồ
Sau khi Bộ TT&TT yêu cầu nhà mạng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ 3G và nhà mạng đã từ bỏ gói cước “bóp băng thông”, thì câu chuyện này lại tái hiện thời gian gần đây với dịch vụ 4G và một lần nữa, làm méo mó về chất lượng dịch vụ này với các công cụ đo kiểm xuyên biên giới.
Thực tế hiện nay, hạ tầng viễn thông di động tại Việt Nam luôn được đánh giá là hiện đại trong khu vực, với hơn 100.000 trạm phát sóng 4G và công nghệ 5G đã được thử nghiệm tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Thế nhưng, theo kết quả đo kiểm bằng ứng dụng iSpeed của Trung tâm Internet Việt nam (speedtest.vn) thì tốc độ download trung bình của thuê bao di động tại Việt Nam vào tháng 5/2023 chỉ là 36,16 Mbps. Theo công bố của Okala, tốc độ download trung bình của thuê bao di động tại Việt Nam vào tháng 5/2023 là 46.72 Mbps, cao hơn công bố của Trung tâm Internet Việt Nam một chút, nhưng chỉ đứng thứ 48 trên thế giới và vẫn thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực như Singapore (71.69 Mbps) và chỉ bằng khoảng ½ so với các nước Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Mặc dù sự cố cáp quang biển trong giai đoạn tháng 2-3/2023 cơ bản đã được khắc phục, nhưng VietNamNet vẫn nhận được nhiều ý kiến phản ánh của độc giả về trải nghiệm truy cập Internet tốc độ chậm tại nhiều thời điểm, đặc biệt vào cuối tháng hoặc cuối chu kỳ các gói cước data.
Qua khảo sát, VietNamNet nhận thấy, hiện nay ở Việt Nam có hàng triệu thuê bao di động sử dụng smartphone hiện đại, nhưng vẫn đang sử dụng các gói cước mobile data có tính năng “bóp băng thông”, khi sử dụng hết dung lượng data tốc độ cao.
Mặc dù các nhà mạng có thông báo chính sách gói cước “bóp băng thông”, tuy nhiên nhiều khách hàng đã không để ý và khi truy cập mobile Internet ở tốc độ thấp (256Kbps hoặc 512Kbps) nghĩ đến việc mạng bị sự cố, hoặc chất lượng mạng bị ảnh hưởng bởi sự cố cáp quang biển gần đây.
Hiện có nhiều các nhà mạng đứng đầu trên thế giới đã không còn tính năng hạ băng thông (Ví dụ: T-Mobile USA). Thay vào đó, họ ban hành những gói cước có giới hạn lưu lượng và sẽ dừng truy cập khi sử dụng hết lưu lượng. Ngoài ra, với các gói data 5G, sau khi sử dụng hết lưu lượng 5G cho phép trong gói sẽ chuyển về sử dụng data 4G.
Các khách hàng trẻ thường quan tâm đến tốc độ cao khi truy cập Internet, dẫn đến tâm lý tiêu cực khi bị áp dụng tính năng hạ băng thông trong quá trình sử dụng mobile data. Các nội dung khách hàng trẻ quan tâm thường yêu cầu lưu lượng data lớn khi truy cập như: game, video, mạng xã hội… Đôi khi điều này ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu của các nhà mạng trong mắt khách hàng trẻ.
Trao đổi với VietNamNet, đại diện Cục viễn thông cho hay, ngoài việc đưa các gói cước để thu hút khách hàng, các nhà mạng phải đảm bảo cung cấp chất lượng dịch vụ Internet di động cho khách hàng. Thời gian qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng cải thiện hạ tầng số trong nước với việc xóa các vùng lõm sóng, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng smartphone và hộ gia đình có đường truyền cáp quang Internet. Vì vậy, đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân là ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Hiện nay các nhà mạng tại Việt Nam đều có các gói cước data tốc độ cao và có dung lượng lớn không có tính “bóp băng thông”, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu và đảm bảo trải nghiệm khách hàng. Vì vậy, đã đến lúc các nhà mạng phải xem xét và điều chỉnh lại các gói cước có tính năng “bóp băng thông” truy cập ở tốc độ thấp, nhằm đảm bảo trải nghiệm khách hàng và các chỉ số tốc độ Internet tại Việt Nam.