Nhà lang của người Mường

Việt NamViệt Nam17/07/2023

Dòng chảy đô thị hóa len lỏi vào những xóm làng của người Mường, huyện Tân Sơn, đẩy những nếp nhà sàn lùi xa vào dĩ vãng và trí nhớ của người già. Thế hệ trẻ chỉ còn biết đến nhà lang và phong tục tập quán tồn tại từ thời quan lang qua câu chuyện truyền thuyết của các già làng, trưởng bản. Lịch sử về những ngôi nhà lang, biểu tượng quyền lực của dân tộc Mường trong quá khứ và những câu chuyện xung quanh ngôi nhà lang được hiển hiện lại thông qua những hậu nhân của dòng dõi lang Mường.

Ông Hà Thanh Huy (người bên trái) giới thiệu về thanh kiếm cổ còn lại từ thời quan lang Hà Thanh Phúc.

Xưa kia, nhà lang được ví là trung tâm quyền lực của xứ Mường. Quan lang là người thủ lĩnh của vùng với đặc trưng “hưởng quyền thế tập”, cha truyền con nối thay nhau cai quản vùng Mường trong suốt nhiều thế kỷ. Những ngày tháng 7, chúng tôi được cán bộ văn hóa xã Kiệt Sơn dẫn đến một trong những ngôi nhà sàn hiếm hoi còn sót lại tại đây. Chủ nhân ngôi nhà là ông Hà Thanh Huy - hậu duệ đời thứ năm của họ lang tại khu Chiềng lớn. Trong trí nhớ của ông Huy, xã Kiệt Sơn và xã Tân Sơn bây giờ, ngày xưa được gọi là xứ Mường Kịt đặt dưới sự cai quản của quan lang Hà Thanh Phúc (giai đoạn cuối thế kỳ XIX - đầu thế kỷ XX).

Theo nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Nguyễn Hữu Nhàn: “Nhà lang có vị trí, vai trò như bộ máy, trụ sở công quyền để giải quyết việc hay vấn đề nảy sinh trong đất Mường. Những thiết kế, kiến trúc của nhà lang đại diện quyền lực và sự ảnh hưởng đối với người dân Mường xưa kia. Một trong những đặc trưng là dòng dõi cha truyền con nối. Khi muốn lập làng mới, xóm mới, người dân không thể tự bầu ông lang mà phải đến nhà lang vùng khác để xin một người con trai bầu làm ông lang cai quản vùng đất đó”.

Ông Hà Thanh Huy bồi hồi nhớ lại: “Nhà lang ngày xưa to lắm với kiến trúc bảy gian, cột cái làm từ gỗ cây thọ, cây khoai. Cọc nhà không kê đá tảng như nhà dân mà chôn xuống đất từ 1m đến 1,2m. Sàn nhà làm bằng cây bương, mái nhà lợp lá cọ”. Gian to nhất hay còn gọi là gian gốc là nơi những người đàn ông thường ngồi bàn công việc. Sau đó mới đến gian cho khách, cho vợ con và người hầu trong nhà. Vì tính chất thủ lĩnh, đứng đầu của nhà lang mà công việc gì nhà lang cũng làm trước tiên. Đơn cử như lễ xuống đồng, bà quan lang sẽ xuống cấy những gốc mạ đầu tiên. Nhà lang cấy xong, người trong nhà sẽ đánh một tiếng chiêng và người dân trong làng mới đổ xuống đồng cấy lúa. Tương tự như lễ mừng cơm mới, lễ cầu mùa, nhà lang gặt lúa về, làm cơm thắp hương cúng gia tiên xong dân làng mới được ăn.

Thời kỳ hưng thịnh của nhà lang kéo dài từ xa xưa đến khi thực dân Pháp xâm lược. Cùng với chính sách đồng hóa dân tộc, chúng kéo đến bản làng, đốt nhà sàn, sách Hán cổ,… hậu duệ của nhà lang phải mang đồ vật còn sót lại đi chôn giấu. Ông Hà Thanh Huy vẫn giữ được một thanh kiếm từ thời quan lang Hà Thanh Phúc. Bao kiếm làm bằng gỗ, chạm trổ họa tiết mây rồng. Lưỡi kiếm rèn bằng sắt tuy đã hoen rỉ nhưng vẫn rõ nét họa tiết vân rồng uốn lượn. Thanh kiếm là cổ vật duy nhất của gia đình còn sót lại, gợi nhắc về thời kỳ hưng thịnh của nhà lang ở xứ Mường Kịt.

Cụ Hà Thị Miên nói chuyện về nguồn gốc, lai lịch của chiếc cồng quý từ thời quan lang.

Cụ Hà Thị Miên (93 tuổi, hiện đang sinh sống tại khu Chiềng lớn, xã Kiệt Sơn) là con dâu đời thứ tư của nhà lang ở Mường Kịt. Nhà bà Miên còn giữ được chiếc cồng đồng lớn có tuổi thọ hàng chục năm. Chiếc cồng này là một phần quá khứ thăng trầm của nhà lang. Tương truyền, mỗi dịp lễ tết quan trọng, nhà lang lại đánh cồng để cho dân chúng đến tụ họp và bàn việc chung. Bà Miên móm mém kể: “Nhà sàn cũ nát quá nên bốn năm trước đã dỡ bỏ làm nhà gạch rồi. Chỉ còn chiếc cồng quý này thôi”.

Hiện nay, huyện Tân Sơn có 739 ngôi nhà sàn phân bố trên địa bàn 17 xã. Nhiều nhất là xã Thu Ngạc với 230 căn, Kim Thượng 148 căn, Thu Cúc 91 căn, Xuân Sơn 82 căn. Cùng với đó, hiện vật gồm có 10 cồng, 239 chiêng, 138 đuống. Số căn nhà sàn và cổ vật là minh chứng sống động nhất cho những trầm tích văn hóa phong phú, đa dạng của người Mường ở đất Tân Sơn. Đây là không gian văn hóa để các loại hình nghệ thuật của đồng bào dân tộc Mường như Chàm Đuống, Hát Ví, Hát Rang.. được diễn xướng và lưu truyền.

Hiện nay, huyện Tân Sơn không còn ngôi nhà lang nào tồn tại với kiến trúc nguyên bản từ xa xưa. Trải qua thời gian, nhà đã được con cháu tu sửa bằng những loại gỗ mới hoặc xây dựng lại bằng nhà kiên cố. Tuy vậy, truyền thuyết và câu chuyện về thời kỳ lịch sử hoàng kim của xứ Mường thời quan lang xưa kia vẫn sẽ mãi được lưu truyền. Đây sẽ là động lực để đồng bào dân tộc Mường nói riêng và các dân tộc ở huyện Tân Sơn nói chung phút huy truyền thống ông cha, góp phần phát triển kinh tế quê hương.

Thùy Trang

Bình luận (0)

No data
No data

Lịch sự kiện

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view
Phượng "Singapore": Cô gái Việt gây sốt khi mỗi bữa nấu gần 30 món ăn
Việt Nam tham gia Diễn tập Hải quân đa phương Komodo 2025
Đại sứ Knapper khuyến cáo người Việt không vượt biên vào Mỹ

No videos available