Sáng 7.12, bên lề buổi giao lưu giữa các nhà khoa học đoạt Giải thưởng VinFuture 2024, GS Kristi Anseth đã có buổi trao đổi với báo giới.
Các nhà khoa học đoạt giải VinFuture 2024 giao lưu cùng sinh viên. Ảnh: Đền Phú
Mở đầu cuộc trao đổi GS Kristi Anseth – nhà khoa học đến từ Mỹ đoạt Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ, cho biết bà cảm thấy rất ngạc nhiên và hạnh phúc vì đây là sự công nhận cho những người phụ nữ làm nghiên cứu khoa học.
Thưa GS Kristi Anseth, trong lễ trao giải VinFuture 2024, tối ngày 6.12, bà có cảm ơn chồng và con của mình, vậy bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về sự giúp sức của gia đình để bà có động lực phấn đấu và phát triển sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình?
Chồng tôi cũng là giảng viên đại học, nên chúng tôi cũng có điểm chung là cùng giảng dạy và giáo dục, từ đó có nhiều hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ ý tưởng. Còn về cô con gái 17 tuổi của tôi đang học năm cuối trung học, cháu cũng rất hứng thú nghiên cứu khoa học.
GS Kristi Anseth trao đổi với báo giới sáng 7.12. Ảnh: Đền Phú
Hiện trên thế giới có rất nhiều vấn đề, nên cần phải tìm cách giải quyết các vấn đề đó nên cần phải có sự hiện diện của các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học nữ. Giải thưởng VinFuture đã vinh danh những nhà khoa học nữ tạo động lực lớn cho chúng tôi trong quá trình nghiên cứu.
Là một nhà khoa học nữ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nam giới, vậy giáo sư có thể đưa ra những lời khuyên cho những nữ sinh viên trẻ đang theo đuổi những đam mê, nghiên cứu của mình?
Chúng ta có thể thấy rằng, các nhà khoa học nữ có nhiều cơ hội, nhưng cũng có nhiều thách thức. Lời khuyên của tôi là hãy đi tìm người hướng dẫn giống như bản thân mình, khi những người hướng dẫn mà là khoa học nữ khi vừa thành công với các nghiên cứu khoa học, vừa có thể chăm sóc được gia đình. Một lời khuyên nữa là chúng ta không nên sợ hãi để tiến lên.
Thưa giáo sư, hiện những nghiên cứu của bà đã có thể cứu sống hàng triệu người. Vậy trong thời gian tới bà có ý định thay đổi gì không. Cùng đó, giáo sư có ý định hợp tác với các nhà khoa học của Việt Nam về mô cơ tái sinh?
Hiện chúng ta đã có nhiều tiến triển trong lĩnh vực vật liệu sinh học, như có thể tái tạo các mô hay cơ trong trường hợp bị bệnh, bị thương. Nhưng những vấn đề phức tạp cần phải giải quyết trong não, ghép thận… ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Về phía Việt Nam tôi thấy môi trường nghiên cứu đang rất phát triển, nhiều cơ sở nghiên cứu về tế bào, tim mạch đang được xây dựng. Hiện vấn đề về tim mạch tại Việt Nam đang nổi cộm, việc phát triển này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác, trao đổi với nền y học hiện đại.
Cùng đó, Việt Nam đang có một thế hệ trẻ sẽ thúc đẩy hợp tác để giúp chúng tôi giải quyết được những vấn đề mà tôi vừa nêu trên, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.
Thưa giáo sư, trong cuộc sống hàng ngày việc tổn thương và teo cơ là không tránh khỏi, vậy giáo sư có thể đưa ra lời khuyên nào để giúp cho mọi người có thể bảo vệ được sức khỏe của mình ngay từ ban đầu, tránh việc phải thay thế?
Thực ra, việc phòng ngừa cũng là một trong những yếu tố mà phải nghĩ đến đầu tiên, việc chất lượng của mô cơ lão hóa là chuyện bình thường. Do đó, chúng ta phải thường xuyên tập thể dục. Từ 30 tuổi, các mô cơ sẽ bắt đầu già hóa đi, nếu được tập luyện thì các mô cơ sẽ tái sinh. Cùng đó, chế độ ăn, giảm stress trong cuộc sống và những vấn đề liên quan đến nhiễm trùng… nếu kiểm soát được sẽ ngăn ngừa được sự già hóa và tổn thương đến các mô cơ.
Vậy giáo sư có sẵn sàng hợp tác, chia sẻ và cùng nghiên với các nhà khoa học trẻ của Việt Nam để tạo ra được những công trình có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống?
Tất nhiên là chúng ta có rất nhiều cơ hội để cùng làm việc, do đó tôi cũng cần phải có nhiều chuyến đến Việt Nam hơn để trao đổi với học sinh, sinh viên. Đặc biệt là việc trao đổi giữa sinh viên Việt Nam với sinh viên Mỹ, từ đó có thể trao đổi những ý tưởng đổi mới, sáng tạo.
Xin cảm ơn giáo sư!
Nguồn: https://laodong.vn/cong-nghe/nha-khoa-hoc-nu-doat-giai-vinfuture-2024-khong-so-hai-de-tien-len-1431834.ldo