(NB&CL) Đối với mỗi người làm báo theo lĩnh vực ảnh báo chí, để bắt trọn những khoảnh khắc chân thực nhất, họ phải hội tụ nhiều yếu tố, trong đó kinh nghiệm luôn là “ông thầy” quan trọng trong suốt hành trình. Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Thanh Hải (Trần Hải) – Báo Nhân Dân, người đã dành gần 40 năm sự nghiệp để tạo nên những khoảnh khắc báo chí đẹp nhất và cũng là một trong những “tay máy” gắn bó với giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí” của Báo Nhà báo & Công luận suốt nhiều năm qua.
Tập trung tâm lực, trí lực
+ Phóng viên ảnh được xem là một lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù, đòi hỏi người làm phải luôn năng động, sáng tạo, không ngừng cố gắng trong công việc… Trong hành trình làm nghề, ông đánh giá thế nào về nhận định này?
– Đúng vậy, phóng viên ảnh gắn liền với việc phải đi, di chuyển liên tục và thời gian làm việc gần như sẽ không cố định. Có những chuyến công tác phải đi từ nửa đêm, tờ mờ sáng mới đến kịp sự kiện, phóng viên ảnh thường phải đến sớm hơn bình thường để chuẩn bị thiết bị, chọn vị trí, đón lõng sự kiện, lên kịch bản trước.
Vì thế, với phóng viên ảnh, điều đầu tiên là sức khỏe, sự năng động, óc tư duy liên tục, sự bền bỉ và sự dấn thân với nghề, song hành với đó là kinh nghiệm… Có như vậy mới duy trì công việc một cách liên tục được. Bên cạnh đó, đối với phóng viên ảnh, các trang thiết bị luôn phải thường trực, như chiến sĩ ra trận súng đạn luôn phải chuẩn bị đầy đủ. Làm quen với máy móc thường xuyên, biết sử dụng các chức năng của từng thiết bị gắn với từng tình huống. Các vấn đề thời sự diễn ra, những khoảnh khắc chỉ chốc lát, tất cả sẽ không bao giờ trở lại, vì thế người phóng viên ảnh phải luôn trong tâm thế sẵn sàng. Làm hết sức mình có thể, để không nuối tiếc khi sự kiện đã đi qua.
+ Đã từng nhiều năm chụp ảnh đưa tin về lãnh đạo Đảng và Nhà nước, phần lớn những bức ảnh của ông luôn ở trang chủ tờ báo… Theo ông, phóng viên ảnh chuyên chụp các chính khách thì cần những “kĩ năng” gì đặc biệt?
– Giống như bất cứ một phóng viên nào, trước hết chúng ta cần phải nắm bắt được chương trình sự kiện, và với phóng viên khi chụp về các hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước lại càng phải là yêu cầu bắt buộc. Phóng viên phải hiểu được nội dung từng chương trình cụ thể ra sao, tự phải xây dựng ý tưởng chụp ngay trong đầu gắn với nội dung chương trình. Như chuyến tác nghiệp cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thôn Làng Nủ (Lào Cai) nơi xảy ra trận lũ quét đau thương hồi tháng 9 vừa qua là một sự kiện mà tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu kĩ lịch trình và cẩn thận lên các phương án tác nghiệp. Rồi hành trình đó, chúng tôi thấy được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, khi ông dành thời gian nói chuyện với bà con nhân dân, lội xuống thăm hỏi lực lượng đang tìm kiếm… Trong hoàn cảnh đó, để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ, phóng viên chúng tôi cũng cùng lội xuống bùn thì mới có thể kịp ghi lại những gì chân thực nhất. Để làm được việc này, ngay từ đầu phóng viên phải chuẩn bị các trang thiết bị cẩn thận từ trước, quần áo, giầy… Với hoàn cảnh lũ lụt trang bị càng đơn giản thì hiệu quả càng cao.
+ Ông là một trong số các tác giả có nhiều tác phẩm tham dự giải ảnh của Báo Nhà báo & Công luận và cũng nhiều lần đoạt giải. Ông có thể chia sẻ đôi chút về bí quyết đã mang lại nhiều thành công cho các tác phẩm của ông?
– Chụp thể thao là chụp những khoảnh khắc, người phóng viên phải biết phán đoán các tình huống có thể xảy ra khi nó chưa xảy ra, luôn hướng đến đó, điều này đòi hỏi sự tập trung tâm lực, trí lực thường xuyên liên tục.
Mọi người hay có suy nghĩ phóng viên khi ra sân bóng chủ yếu xem đá bóng nhưng thực tế không phải. Trong số các lĩnh vực phóng viên thực hiện, chụp thể thao nói chung và về các trận đấu bóng đá nói riêng sẽ là lĩnh vực khó nhất. Trong một không gian rộng lớn, tiếng ồn, mọi thứ đều diễn ra rất nhanh… vì thế độ khó cũng nhiều hơn.
Tôi đã làm quen với mảng thể thao này khoảng gần 30 năm, chụp khoảnh khắc thể thao điều quan trọng là phải phán đoán tình huống, tình huống có thể xảy ra như thế này, thế khác, điều quan trọng phải kiên trì chờ đợi, mắt luôn phải hướng theo chuyển động sự kiện, tập trung cao độ thì mới ra được sản phẩm tốt nhất cho mình.
Tuy nhiên mọi thứ đều có những bất ngờ, không phải cứ đến sân chọn vị trí đẹp là có ảnh đẹp, nhiều tình huống không xảy ra ở vị trí đó. Vì thế yếu tố may mắn cũng là điều quan trọng trong tác nghiệp với lĩnh vực thể thao.
Phóng viên ảnh khi chụp thể thao lúc nào cũng phải lăm lăm chiếc máy trong tay, cầm chặt, chạy, di chuyển và chỉ có như vậy mới không bỏ lỡ những tình huống chỉ xảy ra một lần. Chụp ảnh thể thao hàng nghìn kiểu nhưng may mắn có được vài kiểu ưng ý.
Tư duy báo chí nhưng cũng cần phải có tư duy nghệ thuật
+ Ông đánh giá như thế nào về nhận định, phóng viên ảnh phải đa năng, không chỉ biết chụp mà còn phải biết biên tập ảnh hỗ trợ tòa soạn, thưa ông?
– Nếu phóng viên ảnh chỉ đơn thuần là biết chụp ảnh, không có tư duy báo chí thì cũng không nên tham gia vào lĩnh vực này. Phóng viên ảnh sau khi chụp xong cần phải biết điều chỉnh, phân loại từng nội dung ảnh.
Ngay từ khi chụp cần biết chọn lọc, chụp ai, cái gì, chụp như thế nào để đơn giản và hiệu quả nhất, tránh chụp tràn lan xong không sử dụng đến vừa mất thời gian công sức vừa ảnh hưởng đến trang thiết bị.
Đối với sự kiện diễn ra có rất nhiều hoạt động, tình huống khác nhau, phóng viên ảnh phải biết nội dung nào là chính, quan trọng hơn để lựa chọn. Phóng viên ảnh phải biết chấp nhận bỏ những bức ảnh ít quan trọng hơn mặc dù chụp khá nhiều. Tất cả phải đạt được độ nhanh chóng, chính xác và hiệu quả truyền tải thông tin đến bạn đọc một cách rõ ràng, rành mạch nhất.
Đối với báo điện tử có thể sử dụng nhiều ảnh hơn, nhưng báo giấy chỉ sử dụng một ảnh. Câu hỏi đặt ra là bức ảnh nào quan trọng nhất, phóng viên ảnh là người trực tiếp tham gia vào sự kiện cũng là người biên tập đầu tiên, nghĩa là vừa phải làm tiền kỳ và hậu kỳ, phải là người tạo ra sản phẩm hoàn thiện.
+ Trong bối cảnh ảnh báo chí có nhiều đổi mới, những phóng viên ảnh thời nay cần “bắt nhịp” như thế nào để có những “khoảnh khắc ảnh” chất lượng, thưa ông?
– Hiện nay điều kiện về công nghệ đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây, bản thân tôi trước đây khi vào nghề, đi tác nghiệp chủ yếu chụp phim, số lượng phim bị hạn chế, phim đắt đỏ. Quá trình tác nghiệp khó khăn dè sẻn đó rèn luyện tính cẩn thận, chắt chiu hơn trong mỗi lần bấm máy.
Với mỗi phóng viên khi làm ảnh, cố gắng bắt từng khoảnh khắc, vì các vấn đề thời sự trên chỉ diễn ra một lần. Điều quan trọng là người phóng viên phải cố gắng dành nhiều thời gian chụp, say mê, phải học từ bạn bè, đồng nghiệp, được các thế hệ làm báo trước chỉ bảo là điều tốt nhất. Chụp nhiều mà không có đam mê, không có sự chắt chiu, rút kinh nghiệm sau mỗi sự kiện thì cũng khó phát triển được. Thêm nữa là phải trau dồi kiến thức.
Làm ảnh báo chí, phải có tư duy báo chí nhưng cũng cần phải có tư duy nghệ thuật, hai cái phải song hành thì mới có những tác phẩm chất lượng, mới thu hút tạo ấn tượng được người xem. Ảnh báo chí nhưng cần có tính nghệ thuật và ảnh nghệ thuật cũng cần có tính báo chí, tính thời sự.
+ Xin cảm ơn ông !
Lê Tâm (Thực hiện)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nha-bao-tran-thanh-hai-nghe-bao-anh–can-lam-niem-dam-me-chat-chiu-bat-tung-khoanh-khac-post324230.html