Khi bắt đầu hải trình ra Trường Sa, được tham gia vào các hoạt động của đoàn công tác, cảm xúc của tôi thấy vinh dự và tự hào vì được tận mắt chứng kiến vùng biển Đông mà trước kia chỉ được xem qua truyền hình, nghe qua sách báo. Ở đó là một vùng trời biển mênh mang, trong xanh và rộng lớn hiển hiện ra trước mắt. Những hình ảnh về biển đảo, về câu chuyện của người lính và người dân nơi đảo xa là các đề tài cảm động, đầy ý nghĩa, để tôi truyền tải đến với mọi người qua những bài viết.
Trên hải trình ấy, tôi đặc biệt ấn tượng khoảnh khắc giữa biển Đông ở Trường Sa xanh trong bao la, khi được dự Lễ tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ tấc đảo, sải biển chủ quyền năm 1988. Buổi Lễ tưởng niệm vô cùng trang nghiêm khiến tôi và mọi người lắng đọng thổn thức về lòng tự tôn dân tộc và cảm phục nghiêng mình trước sự quả cảm của những người lính quên thân mình vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Giữa vùng biển Len Đao, Gạc Ma, Cô Lin – đó là những giây phút để tôi và các thành viên trong đoàn như trên một chuyến tàu quay ngược lại thời gian để tri ân, để tưởng nhớ những người lính trẻ đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Tên tuổi của họ mãi mãi được lưu giữ trong lòng những người ở lại.
Đến với Trường Sa, có lẽ ai trong chuyến đi cũng rất hồi hộp và có một chút lo lắng về sóng gió nhưng sau khi tới các điểm đảo, được gặp những người lính trẻ, đang ngày đêm canh gác biển đảo của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, trò chuyện cùng họ thì cảm xúc tự hào và xúc động đã khiến tôi và mọi người quên đi cảm giác mệt mỏi, cố gắng làm sao có được nhiều tư liệu nhất ở mỗi điểm đảo để viết bài.
Chuyến đi có ý nghĩa đặc biệt với tôi, giúp tôi cảm nhận sâu sắc tình cảm gắn kết keo sơn giữa quân và dân, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc. Chuyến đi chính là chất liệu sống động nhất về tinh thần yêu nước, để tôi có thể truyền tải những trải nghiệm này nhiều hơn tới mọi người, để mỗi người dân Việt Nam hiểu về chủ quyền biển, đảo.
Trải nghiệm trong chuyến công tác Trường Sa, chúng tôi mới hiểu rõ rằng, chủ quyền của chúng ta về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện hữu không chỉ từ phương diện lịch sử, những văn bia, chứng sử hết sức rõ ràng mà còn là những cột mốc xi măng vững chắc chứa đựng thông điệp đanh thép về chủ quyền hợp pháp, không thể tranh chấp trên Biển Đông, những cột đá chủ quyền với những vĩ độ, kinh độ được thừa nhận. Bởi những cột đá chủ quyền ấy còn được đúc bằng máu, mồ hôi, sự hy sinh của người chiến sĩ Hải quân và Nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ. Họ không chỉ tạo dựng cột mốc trên thực địa đứng vững trước bão tố phong ba theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng mà còn là cột mốc sâu thẳm về giá trị trong lòng mỗi chúng ta.
Có đi Trường Sa mới biết nước biển Trường Sa xanh trong, giữa những đảo nổi, đảo chìm chỉ có nước biển và nước biển, chỉ có một màu xanh tít tắp, có gió, có bão tố, nắng nóng và mây trời mênh mông vô tận… Ở nơi tiền tiêu đó, tôi đã thấy cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên các đảo, nhà giàn DK 1 và cũng đã cảm nhận sâu sắc hơn những khó khăn, gian khổ nhưng đầy lạc quan, kiên trung và ấm áp nghĩa tình của những người con đất Việt đang ở nơi đầu sóng, ngọn gió.
Đến với Trường Sa, chúng tôi chứng kiến màu xanh của thiên nhiên hoa trái, những cây bàng vuông, cây phong ba, những vạt rau xanh, những chậu hoa giấy khoe sắc thắm với sức sống mãnh liệt giữa sóng cồn, bão giật. May mắn được đến với Trường Sa, mỗi chúng ta sẽ hiểu được sức mạnh của con người trên đảo thật quả cảm và khâm phục. Những cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên đảo Trường Sa sống trong bão tố, thiếu thốn trăm bề, những chàng trai mười tám, đôi mươi đã vượt lên sóng cả, bão tố gian nguy đang ngày đêm chắc tay súng, giữ vững chủ quyền biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Và tôi cảm nhận được hình như giữa biển khơi, con người trở nên thật bé bỏng, mong manh và chỉ còn lại là sự đoàn kết, yêu thương, gần gũi.
Thực tế cho thấy biển, đảo chính là phần lãnh thổ quan trọng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, trách nhiệm của mỗi công dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo là đặc biệt quan trọng. Với trách nhiệm của một nhà báo, nhiệm vụ này với tôi càng cảm thấy cao cả hơn, bởi khi được đi thực tế, chúng tôi không chỉ hiểu được, thấy được sự anh dũng, kiên cường của các chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn gian khổ mà phải làm sao để truyền tải được những thông điệp này đến mọi người để lan tỏa tình yêu biển đảo. Hãy dành cho những người lính đảo sự quan tâm nhiều hơn nữa về vật chất và tinh thần để họ chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương.
Năm 2024, khi có được cơ hội đi Trường Sa nữa, tôi không ngần ngại nhận lời ngay và lại tiếp tục lên đường với chuyến hải trình thứ hai. Bởi với tôi, ra Trường Sa vẫn đầy sự hấp dẫn, sự ngưỡng mộ, tôi vẫn lưu luyến, vẫn chưa viết hết các đề tài về nơi biển đảo xa xôi này.
Quả thực, với tôi, mỗi chuyến hành trình trên biển đảo đều mới mẻ, đều hấp dẫn bởi “khi đi mang đi tình cảm, khi về mang về niềm tin” với những khẩu hiệu mang theo của người lính: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương, quân dân trên đảo là anh em ruột thịt”; “Còn đảo, còn người, còn Tổ quốc”; “Đồn là nhà, biển đảo là quê hương”.
Mỗi hành trình về Trường Sa đã tiếp thêm động lực để tôi góp phần một phần nhỏ bé tuyên truyền, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Tôi và mọi thành viên trong đoàn đều có những trăn trở, suy nghĩ và nhận thấy trách nhiệm của mình cần tiếp tục lan tỏa các giá trị lịch sử của biển đảo Việt Nam đồng thời cùng chung tay đóng góp vì sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Cao Thị Thuỳ Giang
Nguồn: https://www.congluan.vn/lan-toa-cac-gia-tri-lich-su-cua-bien-dao-viet-nam-post299602.html