Tại Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam (HDBank) đã giới thiệu và ra mắt dịch vụ HDBank Nông thôn và chính thức triển khai chương trình cho vay nông nghiệp nông thôn với lãi suất 0% (trong thời gian ưu đãi) trên toàn hệ thống.
Cần đa dạng hóa tín dụng nông thôn Chiếm lĩnh thị trường tín dụng nông thôn, đẩy lùi tín dụng đen |
Theo đó, ngân hàng này đầu tư thiết kế riêng một ứng dụng số dành cho khách hàng khu vực nông thôn. Trong đó, ngoài các thông tin về các sản phẩm, dịch vụ dành cho khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân, HDBank tích hợp cả các tin tức nông nghiệp; các khóa đào tạo, hướng dẫn, tài liệu tham khảo cho các ngành nghề nông nghiệp, nông thôn và các công cụ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân dễ quản lý sản xuất, kinh doanh.
Về các sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất, HDBank cho biết, ngân hàng này sẽ tích hợp vào App HDBank Nông thôn sản phẩm vay cá nhân thông qua chương trình Cộng tác viên trên ứng dụng HDBank Nông thôn. Khách hàng tải app về điện thoại, đăng ký sử dụng dịch vụ là có thể tiếp cận vay vốn ưu đãi với các chọn lựa như 0%/năm trong tháng đầu, 4,5%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 6,5%/năm trong 12 tháng đầu…
Trong xu hướng chuyển mũi nhọn tín dụng về khu vực nông nghiệp nông thôn như kể trên, hiện nay, ngoài HDBank cũng có nhiều NHTM chú trọng, nhất là các ngân hàng có lịch sử phát triển gắn bó với các tỉnh, thành và ngành nghề nông nghiệp trọng điểm.
Chẳng hạn, thời gian qua, KienlongBank là một trong những ngân hàng rất tích cực trong việc hợp tác với Hội Nông dân các địa phương để phát triển các gói vay ưu đãi lãi suất. Quan sát cho thấy, hiện nay ở phía Nam, KienlongBank đã lần lượt hợp tác với Hội Nông dân các tỉnh An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang và nhiều tỉnh, thành khác để mở rộng cho vay ưu đãi đối với hội viên của tổ chức chính trị xã hội này. Mức cho vay được ngân hàng thiết kế tối thiểu 20 triệu đồng với thời hạn vay tối đa 60 tháng và lãi suất tín chấp 10,5%/năm. Theo KienlongBank, ngân hàng này có đủ nguồn lực để có thể cho vay 200.000 hội viên, nông dân trên địa bàn cả nước.
Tại LPBank, tình hình cũng diễn ra tương tự. Ngân hàng này đã tận dụng lợi thế mạng lưới bưu điện phủ khắp cả nước để phát triển rất mạnh các sản phẩm dịch vụ cho vay nông nghiệp, nông thôn. Gần đây, LPBank còn tiến thêm một bước, ký kết hợp tác với ngành Nông nghiệp các tỉnh thành để triển khai cho vay vốn theo hình thức tổ liên kết vay vốn thông qua Hội Nông dân các cấp (là cách làm mà Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện).
Đối với các NHTM quy mô nhỏ khác như NamABank, BacABank, NCB… hiện nay, việc hướng về nông thôn để mở rộng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tín dụng cũng đang được chú trọng và ngày càng đa dạng hóa các lựa chọn cho khách hàng.
BacABank hiện đang triển khai cho vay rất mạnh gói tín dụng sản xuất kinh doanh nông nghiệp phục vụ vốn kinh doanh và thu mua nguyên liệu sản xuất xuất khẩu. Ngân hàng này cho vay với hạn mức khá cao (10 tỷ đồng) và tài trợ tối đa nhu cầu vốn của khách hàng với mức cho vay bằng 70% giá trị tài sản đảm bảo của doanh nghiệp, đại lý, nông dân. Trong khi đó, NCB tập trung hướng vào cung cấp các giải pháp tài chính tiêu dùng cho tiểu thương, hợp tác xã, trang trại nhỏ ở khu vực nông thôn. Ngân hàng này chấp nhận cho vay tái tài trợ đối với khách hàng, dùng chính tài sản đảm bảo đang thế chấp tại ngân hàng khác để thế chấp cho khoản vay mới nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ở quy mô sản xuất nông nghiệp lớn cấp độ ngành và địa phương, theo quan sát của Thời báo Ngân hàng, hiện nay, rất nhiều NHTM trong hệ thống đã tập trung các sản phẩm dịch vụ vào các mô hình chuỗi giá trị nông sản.
Các đề án lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như Đề án xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022-2025; Đề án phát triển 1 triệu hecta lúa gạo chất lượng cao phát thải thấp hiện đã thu hút hàng loạt TCTD tham gia tài trợ vốn và triển khai các giải pháp quản lý tài chính dòng tiền. Đến hiện tại, Agribank đã triển khai gói tín dụng bảo lãnh, bao gồm: cho vay sỉ thông qua hợp tác xã, cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua giữa 3 bên và cho hợp tác xã vay thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay và vốn góp của hợp tác xã.
Các ngân hàng khác như NamABank, LPBank, HDBank, MB, SHB… cũng lần lượt triển khai cho vay đối với các mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản. Theo quan sát, một số chuỗi liên kết đã tiếp cận được các vốn vay ưu đãi từ các TCTD, chẳng hạn các mô hình của Tập đoàn Minh Phú, Năm Căn, Camimex, Tài Kim Anh…
Những diễn biến trên cho thấy, hiện nay việc hướng “mũi nhọn” tín dụng về khu vực nông nghiệp, nông thôn đang là hướng đi được nhiều TCTD lựa chọn. Điều này một mặt tạo ra cơ hội tiếp cận vốn đa dạng cho khách hàng khu vực nông thôn, mặt khác cho thấy tiềm năng mở rộng các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng ở các tỉnh, thành còn rất lớn và dự báo sẽ có sự lan tỏa mạnh trong các năm tới.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/nha-bang-huong-tin-dung-ve-nong-thon-159031.html