Thị trường gạo thế giới tiếp tục lao dốc khi mới đây Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (REA) kêu gọi mở lại hoạt động xuất khẩu gạo tấm. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo tiêu chuẩn 5% của ta chỉ còn ở mức 394 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 369 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 310 USD/tấn.
Thị trường gạo thế giới tiếp tục lao dốc...
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (REA) vừa kêu gọi chính phủ nước này dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm sau khi lượng tồn kho tăng vọt, gấp gần 9 lần mục tiêu đề ra. Nếu được chấp thuận, động thái này có thể giúp giải phóng nguồn cung gạo lớn của Ấn Độ ra thị trường toàn cầu.
Dữ liệu của Tổng công ty Lương thực Ấn Độ (FCI) cho thấy tính đến ngày 1/2, tổng dự trữ gạo (bao gồm cả lúa chưa xay xát) đã lên tới 67,6 triệu tấn – cao gấp gần 9 lần mục tiêu dự trữ chỉ 7,6 triệu tấn của chính phủ Ấn Độ. Trong đó, lượng gạo tấm tồn kho quá lớn đã khiến Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (REA) yêu cầu chính phủ nhanh chóng dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu loại gạo này để giảm áp lực kho bãi.
Trước động thái này, các nước đồng loạt giảm giá gạo thêm so với tuần trước; cụ thể gạo Thái Lan giảm 4 USD xuống còn 414 USD/tấn - cao nhất châu Á, gạo Ấn Độ giảm 5 USD còn 408 USD/tấn và gạo Pakistan giảm 7 USD còn 395 USD/tấn.
Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm sâu, duy trì ở mức thấp nhất trong nhóm bốn nước xuất khẩu lớn (Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và Việt Nam). Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo tiêu chuẩn 5% hôm nay (21/2) ở mức 394 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 369 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 310 USD/tấn. Mức này thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2021 và giảm so với mức 397 USD/tấn vào tuần trước.

Giá gạo giảm do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu vẫn yếu. Vụ thu hoạch Đông Xuân đã bắt đầu và dự kiến sẽ đạt đỉnh vào tháng tới.
Giá lúa gạo hôm nay ngày 21/2/2025 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn trầm lắng. Theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hiện gạo nguyên liệu IR 504 dao động ở mức 7.900 - 8.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 dao động ở mức 7.550 - 7.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu 5451 dao động ở mức 8.500-8.600 đồng/kg; gạo thành phẩm OM 380 dao động ở 8.800 - 9.000 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động ở 9.500 - 9.700 đồng/kg.
Tương tự với mặt hàng lúa tươi, theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hiện giá lúa OM 5451 giảm 100 đồng dao động mốc 5.800 - 6.000 đồng/kg; Lúa OM 18 giảm 100 đồng dao động ở mốc 6.400 - 6.500 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 dao động ở mốc 6.400 - 6.600; giá Lúa IR 50404 dao động ở mức 5.400 - 5.600 đồng/kg; Lúa OM 380 ở mức 6.600 -6.700 đồng/kg; Lúa Nhật ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 ở mức 9.200 đồng/kg.
Ghi nhận tại nhiều địa phương hôm nay, lượng có ít, giao dịch mua bán lúa gạo tiếp tục chậm.
Giá gạo có phục hồi trở lại sớm được không?
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 547.408 tấn gạo trong tháng 1 với trị giá thu về 324,89 triệu USD, tăng 10,6% về lượng nhưng giảm 5,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái do giá giảm mạnh.
Giá gạo xuất khẩu bình quân trong tháng 1 đạt 594 USD/tấn, giảm 4,9% so với tháng 12/2024 và giảm tới 14,6% (102 USD/tấn) so với tháng 1/2024.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổng nguồn cung gạo toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 được dự báo đạt mức kỷ lục 712,15 triệu tấn, giảm 215.000 tấn so với dự báo trước đó nhưng cao hơn 9,2 triệu tấn so với năm trước, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng.
Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 cũng được dự báo đạt mức kỷ lục 530,5 triệu tấn, cao hơn 284.000 tấn so với dự báo trước đó và tăng 7 triệu tấn so với niên vụ 2023-2024.
Với dự báo này, cán cân cung – cầu gạo toàn cầu sẽ chuyển từ thâm hụt sang thặng dư khoảng hơn 2 triệu tấn trong niên vụ hiện tại.
Theo USDA, năm 2025, xuất khẩu tại Argentina, Brazil, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Paraguay, Nga, Hàn Quốc và Uruguay được dự báo tăng so với năm 2024 và bù đắp cho sự sụt giảm từ Myanmar, Campuchia, Pakistan, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Việt Nam.
Trong đó, Ấn Độ dự kiến tiếp tục là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với khối lượng đạt 22,5 triệu tấn, tăng 4,7 triệu tấn so với năm ngoái. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ được cho là sẽ phục hồi trở lại sau khi các hạn chế xuất khẩu được dỡ bỏ.
Ngược lại, xuất khẩu gạo của các nhà cung cấp lớn tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan dự báo giảm lần lượt là 2,4 triệu tấn, 1,5 triệu tấn và 1,2 triệu tấn. Theo USDA, xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam sẽ cùng giảm xuống mức 7,5 triệu tấn trong năm nay, còn Pakistan đạt 5,3 triệu tấn.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, áp lực giảm giá vẫn bao trùm thị trường gạo trong những tháng tới, đặc biệt trong bối cảnh sản lượng thu hoạch của các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ và Thái Lan đang ở mức cao.
Theo ông Quỳnh, không chỉ nguồn cung tăng vọt, nhu cầu nhập khẩu cũng suy yếu rõ rệt. Khi tình trạng khan hiếm gạo do lệnh cấm của Ấn Độ kết thúc, nhiều khách hàng truyền thống của Việt Nam trì hoãn mua hàng do kỳ vọng giá sẽ còn giảm thêm.
Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định của MXV, hạt gạo Việt Nam từ lâu đã giữ vị thế quan trọng trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu, với phân khúc thị trường riêng biệt và nguồn cầu ổn định. Khi các khách hàng lớn quay trở lại, giá gạo nước ta nhiều khả năng sẽ phục hồi mạnh mẽ.
Hơn nữa, mới đây, các động thái trả đũa đòn thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc đang tiềm ẩn nguy cơ lan rộng toàn cầu và dấy lên lo ngại vấn đề an ninh lương thực. Nếu tình hình căng thẳng địa chính trị không hạ nhiệt, chính sách bảo hộ sản xuất trong nước gia tăng bằng cách tạo hàng rào thương mại, kỹ thuật thì không loại trừ khả năng giá gạo thế giới sẽ quay đầu lên mức 500 USD/tấn.
Giải pháp để thoát khỏi tình trạng hiện nay là phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường cho xuất khẩu gạo. Cùng với thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến thị trường Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các doanh nghiệp cần tập trung không chỉ vào phân khúc gạo cao cấp, mà còn mở rộng sang các thị trường tiềm năng mới là khu vực Trung Đông.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2025 sẽ chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn vào năm ngoái. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay sẽ đối mặt với thách thức do nguồn cung có thể tăng từ Ấn Độ và nỗ lực cắt giảm nhập khẩu của Indonesia. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc được dự báo sẽ cải thiện.
Việt Nam sắp bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân - vụ có sản lượng lớn nhất năm. Thời tiết thuận lợi nên sản lượng dự báo dồi dào, khiến nhiều nhà nhập khẩu đang tạm dừng mua hàng để chờ mua với giá thấp hơn.
Thị trường gạo hiện tại đang gặp khó nhưng giá gạo dường như đã chạm đáy và khó có thể giảm thêm, trong thời gian tới khi các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua vào và giá có thể sẽ cải thiện.
Nguồn: https://danviet.vn/dong-thai-moi-tu-an-do-gia-gao-the-gioi-tiep-tuc-lao-doc-gao-viet-xuong-moc-moi-20250221161413024.htm
Bình luận (0)