Chiều tối 9/5, tôi đã gần như nhảy cẫng lên trong niềm sung sướng và phấn khích tột bậc khi chứng kiến màn bứt tốc của Nguyễn Thị Oanh – “cô gái vàng”, “ốc tiêu” của điền kinh Việt Nam – trên đường chạy 3.000m vượt chướng ngại vật.
Thử thách siêu khó: Thi đấu liên tiếp 2 chung kết nội dung ở cự ly trung bình cách nhau vỏn vẹn… 20 phút, thế nhưng cô đã vượt qua một cách quá xuất sắc, qua đó cũng bảo vệ thành công cả 3 tấm huy chương vàng (HCV) từng giành được tại SEA Games 31 hồi năm ngoái.
Một chiến tích phi thường
Vâng, việc giành hai tấm HCV 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ cách nhau hơn 20 phút tại SEA Games 32 thật sự là một chiến công không tưởng, xứng đáng với 2 tiếng “phi thường”!
Mới sáng cùng ngày, bản thân Oanh cũng như Ban huấn luyện đội tuyển bất ngờ nhận thông báo thay đổi lịch thi đấu của Ban tổ chức môn điền kinh. Theo đó, kế hoạch thi 2 nội dung trong 2 ngày (9 và 10/5) của Oanh bị rút lại còn… 20 phút. Mọi phản đối đều vô hiệu.
Những người theo “thuyết âm mưu” đã có nhiều phân tích về việc thay đổi lịch thi đấu này. Nhưng ở đây chúng ta hãy tập trung vào thử thách tột cùng đặt ra trước mắt Oanh. Theo tôi được biết, trước việc thay đổi lịch thi đấu đó, trong giới mộ điệu đã có ý kiến: Liệu Oanh có phải tính toán để chọn bung sức tối đa ở 1 trong 2 nội dung, thay vì muốn giành cả 2 HCV hay không? Và câu trả lời đã có, rất rõ ràng, từ chính đẳng cấp khác biệt, quyết tâm cũng như ý chí của cô!
Ở nội dung 1.500m, Oanh chủ động “núp gió” phía sau Chui Ling Go (Singapore) trong phần lớn thời gian thi đấu, chỉ thật sự tăng tốc ở vòng cuối cùng để cán đích đầu tiên với thông số 4 phút 16 giây 85, thấp hơn 2 giây so với SEA Games 31, nhưng vẫn hơn đối thủ tới 10 giây! Sau khi về đích, cô chỉ kịp lau khô người rồi lập tức vào chuẩn bị cho phần thi chung kết 3.000m vượt chướng ngại vật, diễn ra sau đó vỏn vẹn… hơn 15 phút. Mọi thứ gấp gáp đến nỗi, Oanh đã phải xin khất việc kiểm tra doping (thủ tục bắt buộc với các VĐV giành HCV) để kịp bước vào thử thách thứ 2.
Sang nội dung 3.000m, vẫn trong bộ trang phục ướt đẫm mồ hôi ấy, Oanh tiếp tục chọn đấu pháp bám đuổi Jolda Gognao (Philippines) thay vì vượt lên trước. Tuy nhiên, điều đáng nói là Oanh rất chủ động theo “sát sạt” đối phương (nhiều lúc chỉ cách đối phương chưa tới 1 mét), buộc Gognao không thể… thư thả dẫn đầu. Tới cuối vòng áp chót, khi Gognao bắt đầu thở dốc thì Oanh tăng tốc vượt lên. Những guồng chân vẫn đều thoăn thoắt như một chú linh dương. Khoảng cách cứ thế nới rộng thêm cho tới khi cô cán đích trước đối thủ 6 giây.
Toàn thân ướt đẫm mồ hôi, Oanh chỉ gập người lại điều chỉnh nhịp thở gần 1 phút, rồi chạy tới khu vực ban huấn luyện, nhận lấy lá cờ Tổ quốc, cùng đồng đội Nguyễn Thị Hương (giành huy chương đồng) mừng chiến thắng. Cả một rừng ống kính vây lấy cô. Ở phía xa, Gognao tỏ rõ sự mệt mỏi, ngoái đầu lại nhìn Oanh như không thể tin lại có một đối thủ ghê gớm đến vậy ngay trong khu vực Đông Nam Á…
Chứng kiến cảnh tượng ấy, trong tôi tràn ngập niềm tự hào và khâm phục. “Cô bé hạt tiêu” Nguyễn Thị Oanh thực sự là một “siêu nhân”, người đã khiến giới điền kinh cả khu vực phải kinh ngạc. Trong cơ thể nhỏ bé ấy không chỉ có năng lực vượt trội (so với các đối thủ) mà cả một nghị lực và ý chí thực sự phi thường!
Khát vọng vươn lên của “cô gái vàng”
Ít người biết rằng để có ngày hôm nay, Nguyễn Thị Oanh – biệt danh vui là… Oanh “ỉn” (do đồng đội đặt cho, vì cô sinh năm Ất Hợi, 1995) – đã trải qua những thử thách cũng vô cùng khó khăn trên những bước đường đời cũng như sự nghiệp vận động viên của mình.
Cô sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo đông con tại miền quê Lạng Giang (Bắc Giang). Không chỉ điều kiện gia đình khó khăn (gia đình ban đầu cũng không ủng hộ Oanh theo thể thao), mà chiều cao rất khiêm tốn cũng là trở ngại đáng kể đối với cô bé này khi mới đến với điền kinh.
Nhưng trong Oanh là khát vọng lớn lao được gắn bó và vươn lên cùng với thể thao. Cô luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để hoàn thiện kỹ thuật, nâng cao trình độ nhằm bù đắp cho thiệt thòi hình thể của mình. Sau những thành công liên tiếp ở các giải trẻ, vừa mới khẳng định mình ở giải quốc gia thì Oanh bất ngờ phát hiện bệnh viêm cầu thận. Nhưng ngay cả căn bệnh quái ác cùng lời nghiêm cấm tập thể thao của bác sĩ cũng không ngăn được ý chí của cô. Nghỉ thi đấu hơn gần 2 năm để tập trung chữa bệnh, đồng thời vẫn cố gắng luyện tập duy trì, Oanh đã chiến thắng bệnh tật để trở lại với đường đua, để rồi liên tiếp lập nên những chiến công gây ngỡ ngàng tất cả.
SEA Games 29 năm 2017 tại Malaysia, ở tuổi 22, Oanh giành cú đúp HCV các nội dung 1.500m và 5.000m. SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines, cô lần đầu lập “hat-trick vàng” ở các nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật.
Tới SEA Games 31 ở Việt Nam, Nguyễn Thị Oanh xuất sắc bảo vệ thành công ngôi đầu cả 3 nội dung trên. Và lần này, ở Campuchia, số HCV của Oanh giành được tại SEA Games đã được nâng lên con số 11 sau khi hoàn tất “cú hat-trick” 3 HCV liên tiếp.
Điều đặc biệt ở chỗ, nếu như trước đây, Oanh từng 4 lần lập “cú đúp HCV” trong 1 ngày (cách nhau từ 4-8 tiếng) ở SEA Games 30, 31 cũng như 2 kỳ giải vô địch quốc gia, thì lần này, “cú đúp” trở nên đặc biệt nhất khi 2 nội dung chỉ cách nhau 20 phút mà thôi (theo các chuyên gia nhận định thì trên thế giới cũng khó tìm ra trường hợp thứ 2 tương tự).
Tài năng vượt trội khu vực của Oanh thì không có gì nghi ngờ. Nhưng quan trọng hơn ở Nguyễn Thị Oanh là một tấm gương vượt khó, khát vọng vươn lên cũng như ý chí và nghị lực thật sự phi thường. Cô xứng đáng được xem là người truyền cảm hứng tuyệt vời, không chỉ cho các vận động viên thể thao mà cho cả những tài năng trẻ ở nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội!
Tác giả: Nhà báo Doãn Hữu Bình hiện là Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Thể thao (Tổng cục Thể dục Thể thao); Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử Giải trí Việt Nam, Ủy viên BCH Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam; thành viên Ban truyền thông của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).
Ông Bình nguyên là Trưởng Ban phóng viên Báo Thể thao TPHCM, đồng tác giả sách Sơ thảo Lịch sử Bóng đá Việt Nam. Tại SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam năm 2022, nhà báo Doãn Hữu Bình là Ủy viên Tiểu Ban Truyền thông của Ban Tổ chức, đồng thời là tác giả của khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” (For a stronger Southeast Asia) của SEA Games 31.
Dantri.com.vn