Diễn đàn “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bất động sản Việt Nam hội nhập quốc tế và phát triển bền vững” diễn ra trong khuôn khổ Đại hội Liên chi hội đào tạo bất động sản Việt Nam (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam).
“Chưa thật bài bản về chuyên môn, còn chạy theo lợi nhuận”
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Nhật Thanh, Giám đốc vận hành An Gia Group, cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng phát triển, nhu cầu sở hữu bất động sản của người dân ngày càng nhiều. Các dòng sản phẩm như chung cư, cao ốc… nhu cầu sở hữu ngày càng cấp bách, nhưng cũng đặt ra vấn đề tranh chấp chung cư ngày càng nhiều. “Nhưng trên thực tế, nhân sự ngành bất động sản đang được đào tạo tự phát, không có sự xâu chuỗi, bài bản, đa phần là nghề truyền nghề. Điều này đặt ra nhu cầu là làm sao có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp từ đầu tư, thiết kế sản phẩm, kinh doanh bán hàng, quản lý khai thác bất động sản… làm sao có đội ngũ nhân sự bài bản, có nghề, đóng góp cho xã hội”, ông Thanh nhận định.
“Đặc biệt, nguồn nhân lực bất động sản hiện đáp ứng được khoảng 30-40% tiêu chí doanh nghiệp”, ông Thanh lưu ý.
Cũng trong diễn đàn, tiến sĩ Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch-Đầu tư), Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản công nghiệp, nhận định: “Không chỉ bất động sản mà các ngành nghề khác cũng vậy – việc đào tạo cũng chưa thật sự bài bản về chuyên môn, còn chạy theo lợi nhuận. Chúng ta quá thiếu nguồn nhân lực. Đáng tiếc trong thời gian qua, đào tạo nguồn nhân lực dù được quan tâm nhưng chưa cụ thể”.
Ông Thắng cho biết: “Từng ngành, từng lĩnh vực cần có chương trình đào tạo bài bản từ thấp đến cao. Cái thiếu ở đây là nguồn nhân lực cao ở tất cả các cấp, nếu tất cả các cấp mà có nguồn nhân lực chất lượng cao có tâm, có tài thì Việt Nam chúng ta đã khác bây giờ”.
Không chỉ vậy, ông Thắng cho rằng tất cả những người làm việc trong lĩnh vực bất động sản đều phải được tham gia đào tạo. Trong đó, trước hết là các nhà đầu tư, ông chủ cũng phải được đào tạo về kiến thức vĩ mô, vai trò của bất động sản trong phát triển kinh tế xã hội, mối quan hệ quốc tế trong và ngoài nước… Tiếp theo đó là các nhân viên, cán bộ trong các đơn vị doanh nghiệp này rồi mới đến nhà môi giới.
Đồng quan điểm, bà Mai Thị Hồng Quyên, Giám đốc kinh doanh Sunproperty khu vực miền Nam, cũng cho rằng nhân sự trong lĩnh vực bất động sản không chỉ là người tư vấn bán hàng vì họ chỉ là một phần trong chu trình từ quy hoạch, làm sản phẩm, bán hàng, chăm sóc khách hàng sau bán và quản lý vận hành bất động sản. Do đó, Việt Nam cần nguồn nhân lực chất lượng cao ở tất cả các khâu.
“Một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt chính là nhân lực phát triển nóng nhưng thiếu sự trải nghiệm”, bà Quyên nói.
Về nguồn nhân lực cao ở lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, bà Quyên cho rằng tiêu chí lựa chọn người cũng khắt khe hơn. Ngoài nền tảng am hiểu kiến thức, phong cách sống và tâm lý khách hàng, người bước chân vào lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng phải xác định bước vào con đường chuyên nghiệp. Nguồn nhân lực này đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ, không ngừng học hỏi với thái độ rất cầu thị mới trụ được.
Các đơn vị đào tạo nói gì?
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản, chia sẻ về thách thức phát triển công tác đào tạo ngành bất động sản Việt Nam. Ông Lập cho biết theo một số liệu năm 2019, trong khoảng 300.000 môi giới hoạt động thị trường, chỉ 10% có chứng chỉ hành nghề.
Ông Lập cho biết hiện nay quy định pháp luật cho phép thí sinh tự do không cần học gì vẫn được đăng ký dự thi lấy chứng chỉ hành nghề. Luật kinh doanh bất động sản trước đây quy định phải đi qua một chương trình đào tạo hoàn chỉnh mới được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng nay bỏ luôn. Tư vấn bất động sản cũng là một ngành nghề quan trọng nhưng không cần chứng chỉ hành nghề vẫn làm được nên phát sinh nhiều vấn đề.
“Nhà nước không quản lý nên chất lượng hành nghề môi giới hiện nay rất đáng báo động vì không qua đào tạo chuẩn chỉnh”, ông Lập nói thêm.
Trước những ý kiến của doanh nghiệp trên, tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhận định: “Nguồn nhân lực đang thiếu, nhưng yếu thì phải xem lại bản chất vấn đề. Yếu ở đây cần được hiểu là những nhân lực không được đào tạo bài bản mà sử dụng lực lượng ‘tay ngang’. Do đó, cần nhìn rõ đúng bản chất để nguồn nhân lực này được minh bạch”.
PGS-TS Nguyễn Thị Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu – Phó chủ tịch Liên chi hội đào tạo bất động sản, chỉ ra bất cập trong việc đào tạo nhân lực bất động sản. Theo bà Phương, việc cấp chứng chỉ hành nghề hiện quá dễ dãi, có chứng chỉ thì không cần phải học ở trường ĐH. “Khi xã hội quá dễ dãi thế thì cớ gì phải học ĐH. Trong khi người học cử nhân xong, được đào tạo bài bản 3-4 năm nhưng cầm trên tay tấm bằng ĐH thì không được hành nghề nếu chưa có chứng chỉ hành nghề. Trong khi đó, những người bình thường trong xã hội chỉ học 3-4 tháng có chứng chỉ hành nghề là được hành nghề”.