(Dân trí) – Chủ tịch TPHCM cho rằng, Nghị quyết 98 không phải đũa thần để giải quyết tất cả vấn đề. Nhưng khi xóa điểm nghẽn cơ chế, địa phương có thể thu về hàng tỷ đô từ nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Sau hơn một năm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Nghị quyết 98 từng bước được cụ thể hóa và đưa vào đời sống. Trong thời gian đó, chính quyền TPHCM đã đảm đương khối lượng công việc khổng lồ để tạo ra bộ khung pháp lý đủ vững cho bản Nghị quyết có thể mang lại những giá trị thực tế.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận định, đến nay, địa phương đã cơ bản hoàn thiện việc ban hành các văn bản để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù. Tuy nhiên, việc triển khai, vận dụng, chuyển hóa các văn bản thành giá trị thực tế thì thành phố mới chỉ ở bước bắt đầu.
“Đối với TPHCM, Nghị quyết 98 được kỳ vọng mở ra cơ chế khơi dậy nguồn lực, tháo gỡ cơ chế để được phân cấp, ủy quyền. Cả 2 điều này chưa đạt kết quả như mong muốn”, Chủ tịch TPHCM thẳng thắn nhìn nhận.
Một trong những nguyên nhân được vị lãnh đạo TPHCM chia sẻ là việc dù có những cơ chế, chính sách đặc thù, địa phương vẫn chưa có được sự chủ động cần thiết. Trong quá trình xin ý kiến, hướng dẫn từ cấp Trung ương, nhiều lần thành phố nhận được câu trả lời “đối chiếu với quy định hiện hành”.
Hàng tỷ đô la đang chờ đợi
Một trong những điểm mới của Nghị quyết 98 là cho phép TPHCM được áp dụng hình thức đối tác công tư (PPP) cho các dự án y tế, giáo dục, văn hóa. Nội dung này được kỳ vọng góp phần tạo động lực cho sự phát triển của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn và tạo sự phát triển bền vững cho TPHCM giai đoạn tới.
Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, đến hiện tại, địa phương đã thông qua danh sách 41 dự án, trong đó 12 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục – đào tạo, 6 dự án lĩnh vực y tế, 23 dự án thuộc lĩnh vực thể thao – văn hóa. Khi kêu gọi đầu tư được toàn bộ danh mục này, thành phố có thể huy động được nguồn vốn 1 tỷ đô, thế nhưng đến nay, gần như chưa dự án nào được triển khai hoàn thiện.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng chỉ rõ, nguyên nhân của vấn đề là các sở, ngành, địa phương còn chậm trong khâu triển khai.
Đối với các dự án thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) và BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) theo Nghị quyết 98, thành phố đã hoàn thành danh mục, cơ bản hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến, trong tháng 9, địa phương sẽ mở hội nghị tiếp xúc nhà đầu tư.
“Nếu thực hiện được các dự án BT, BOT này, thành phố thu hút thêm gần 1 tỷ USD. Nhưng việc cập nhật thêm danh sách dự án mới để chủ động triển khai thì thành phố đang gặp vấn đề vì quá tải công việc. Công tác chuẩn bị hồ sơ dự án cần rất nhiều bước”, ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Một vướng mắc khác được lãnh đạo TPHCM làm rõ là việc xác định danh mục, lĩnh vực ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược. Trước khi trình HĐND TPHCM thông qua danh mục này, địa phương phải tham khảo và đạt được sự đồng thuận từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
“Chúng ta vẫn còn phải ràng buộc, hiệp y thống nhất giữa các bộ, ngành nên vẫn chậm. Thành phố xác định sẽ gỡ được vấn đề này trong quý III năm nay”, Chủ tịch TPHCM nói.
Người đứng đầu chính quyền thành phố nhấn mạnh, việc tháo gỡ vướng mắc này là điều kiện tiên quyết để thu hút nhà đầu tư lớn cho dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cho Khu Công nghệ cao thành phố. Vừa qua, các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới có dấu hiệu quay lại TPHCM với gói đầu tư 2-3 tỷ USD, địa phương cần nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn, tổ chức xúc tiến đầu tư để có thể triển khai trong năm sau.
Cần thay đổi cách làm
Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phân tích, Nghị quyết 98 có 2 mục tiêu rõ ràng là tạo sự chủ động, năng động, sáng tạo cho chính quyền thành phố và huy động nguồn lực tư nhân, nguồn lực xã hội, vốn đầu tư nước ngoài. Vấn đề phân cấp, ủy quyền cho thành phố đã có những kết quả tương đối rõ nét, nhưng việc huy động nguồn lực thì những gì làm được là chưa nhiều.
“Tất cả việc đã làm, các quy định, nghị quyết, chính sách đã ban hành mới là khâu đầu tiên, chưa đủ để khơi gợi và thu hút được những giá trị cụ thể”, Phó chủ tịch UBND TPHCM nói.
Một trong những vấn đề được ông Võ Văn Hoan nêu ra là tư duy trong công tác thực hiện. Mặc dù kêu gọi đầu tư nước ngoài, kêu gọi xã hội hóa, các dự án vẫn thực hiện theo chính sách, quy trình của đầu tư công.
Các công việc TPHCM đã triển khai trong Nghị quyết 98 chưa đủ để khơi gợi và thu hút được những giá trị cụ thể
“Ví dụ, một đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn có thể chủ động về kinh phí hành chính, lương, kể cả đầu tư, Nhà nước không cần lo gì. Nhưng chúng ta vẫn quản lý như đầu tư công, nâng cấp, sửa chữa vẫn theo quy trình như vậy”, Phó chủ tịch TPHCM chỉ ra.
Theo ông Võ Văn Hoan, một điều mà địa phương chưa tính tới là đưa ra các chính sách, quy định để doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu. Hiện tại, thành phố vẫn loay hoay tìm cách chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thuận lợi rồi mới mời gọi, khiến các doanh nghiệp thiếu sự chủ động cần thiết.
“Ví dụ khi thành phố muốn thực hiện một cây cầu thì chỉ cần chủ trương, quyết sách. Doanh nghiệp cùng góp ý cây cầu ra sao. Lúc đó, cây cầu được tạo ra đẹp hơn, chất lượng hơn là việc chúng ta nghĩ ra cây cầu trước rồi mời họ vào làm”, ông Võ Văn Hoan dẫn chứng.
Phó chủ tịch UBND TPHCM cũng chỉ ra tình trạng “chờ có việc mới triển khai”, trong khi phải chủ động giải quyết vấn đề. Điển hình như việc doanh nghiệp rất cần có cơ chế tháo khoán để tự làm nhà ở xã hội nhưng quy định cũng không thông thoáng được.
“Chúng ta cũng loay hoay trong khi đã nghiên cứu kĩ về việc hoán đổi nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Điều này khiến thành phố không có được nhà ở xã hội trong khi cán bộ có nhu cầu cũng không thể mua. Bài toán cũ vẫn tồn tại nhưng cái mới cũng làm chưa xong”, Phó chủ tịch TPHCM phân tích.
Nghị quyết 98 không phải cây đũa thần
Đánh giá tổng quan sau quãng thời gian đưa Nghị quyết 98 đi vào cuộc sống, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi làm rõ, công việc có chậm so với kỳ vọng, nhưng kết quả đạt được làm được ở mức tương đối nếu so với Nghị quyết 54 trước đây. Điều này thể hiện rõ trong khối lượng công việc khổng lồ mà địa phương đã hoàn thành sau một năm.
“Nghị quyết 98 không phải cây đũa thần, cũng không phải bản nghị quyết để giải quyết tất cả vấn đề gặp phải. Chúng ta đừng đặt sứ mạng vượt khả năng cho nghị quyết này”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Lãnh đạo chính quyền thành phố cho rằng, với năng lực, thời gian có hạn, nhiều vấn đề bên ngoài chưa thông suốt, địa phương không quá phi thực tế khi thực hiện Nghị quyết 98. Thay vào đó, TPHCM đặt ra những yêu cầu đủ cao để cố gắng, nhưng không quá cao để không thực hiện được.
“Câu chuyện ở đây là chúng ta không thể thực hiện được hết mà phải tương tác, xoay xở với quy định hiện hành, với các cơ quan ở trên. Dù chưa hài lòng, thành phố không thể làm hết trong một năm, thay vào đó là tập trung làm theo những nhiệm vụ, trách nhiệm được phân công”, ông Phan Văn Mãi quán triệt.
Sau một năm thực hiện Nghị quyết 98, TPHCM đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề và xung lực quan trọng để phát triển nhanh, bền vững. Một số cơ chế, chính sách đã đi vào cuộc sống và tạo đồng thuận cao trong xã hội.
Về lĩnh vực quản lý đầu tư, TPHCM đã và đang triển khai 4 cơ chế là bố trí vốn đầu tư công 3.794 tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm; đã thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD dọc các tuyến metro; ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; thông qua 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu.
Đối với nhóm cơ chế về tài chính, ngân sách Nhà nước có 12 cơ chế, địa phương đã bố trí vốn đầu tư công 1.500 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC (Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội; đưa vào cân đối từ nguồn cải cách tiền lương để chi thu nhập tăng thêm 11.287 tỷ đồng; hỗ trợ cho tỉnh Điện Biên 75 tỷ đồng để thực hiện một số công trình…
Riêng nhóm cơ chế về quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường có 13 cơ chế, TPHCM đã và đang triển khai 7 cơ chế. Trong đó, địa phương đã chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa cho 1 dự án với diện tích là 0,04ha; chấp thuận chủ trương đầu tư cho 1 dự án cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 căn hộ, nhà ở xã hội; có 5 đơn vị đăng ký thực hiện chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện cho 5 nhà máy; 2 dự án được bổ sung mục tiêu đốt rác phát điện.
Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, TPHCM đã xây dựng mẫu công bố thông tin dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược và đang lấy ý kiến các bộ, cơ quan có liên quan, cập nhật lại biểu mẫu theo các quy định mới của Luật Đấu thầu năm 2023.
TPHCM cũng đang thực hiện 2 cơ chế về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; 9 cơ chế về tổ chức bộ máy chính quyền.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/nguon-luc-khong-lo-chay-ve-tphcm-khi-nghi-quyet-98-duoc-thong-suot-20240831125559586.htm