Người tiêu dùng Việt lạc quan về tương lai dù vẫn còn lo ngại về tài chính Tiết lộ lý do người tiêu dùng Việt ưu tiên giá trị hơn giá cả khi mua sắm |
Nghiên cứu mới nhất của Decision Lab cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang thắt chặt ngân sách cho việc ăn uống ngoài, 84% đã đặt ra giới hạn chi tiêu. Tuy nhiên, đi uống cà phê và trà sữa dường như vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống.
Decision Lab, đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam vừa công bố báo cáo xu hướng ngành F&B năm 2024, cho thấy những thay đổi trong thói quen chi tiêu cho việc ăn uống của người tiêu dùng Việt, giữa bối cảnh kinh tế không ổn định.
Theo đó, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng thận trọng hơn về mặt tài chính và các thói quen chi tiêu, họ tập trung vào sự ổn định lâu dài dù tình hình tài chính cá nhân có những cải thiện.
Trong năm qua, 42% người tiêu dùng cho biết tình hình tài chính của họ đã cải thiện, và đáng chú ý là 63% người tiêu dùng kỳ vọng tình hình tài chính sẽ tiếp tục khởi sắc trong 12 tháng tới. Tuy nhiên, xu hướng tích cực này chưa dẫn đến việc tăng chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu, đặc biệt là trong lĩnh vực ăn uống (F&B). Người tiêu dùng hiện nay đang ưu tiên tiết kiệm, dẫn đến ngân sách cho việc ăn uống tại nhà hàng và đồ uống có cồn giảm mạnh.
Uống cà phê và trà sữa dường như vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống. Ảnh: TH |
Nghiên cứu mới nhất của Decision Lab cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang thắt chặt ngân sách cho việc ăn uống ngoài. Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) dẫn đầu xu hướng này, với 49% người thuộc thế hệ này kiểm soát chặt chi tiêu cho ăn uống ngoài, cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi. Tâm lý cẩn trọng được thể hiện ở tất cả các thế hệ, với tỷ lệ trung bình là 44%.
Dù cẩn trọng về tài chính, việc ăn uống ngoài vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội của người Việt Nam. Các hoạt động liên quan đến ăn uống nắm giữ các vị trí cao trong top 10 các hoạt động ngoài trời phổ biến nhất, với 57% người tiêu dùng thích uống nước tại các quán cà phê và trà sữa.
Xếp sau đó là các hoạt động ăn ở quán vỉa hè, quán ăn nhỏ trong hẻm và nhà hàng, chiếm tỷ lệ lần lượt là 48%, 48%, và 43%. Các quán ăn địa phương, chuỗi cửa hàng cà phê và nhà hàng thức ăn nhanh vẫn là những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng khi ăn uống ngoài.
Để thành công trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức này, các doanh nghiệp F&B phải nắm bắt được sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng.
Báo cáo cho thấy, khách hàng coi trọng những kết nối ý nghĩa với gia đình và bạn bè khi ăn uống ngoài, với 47% ưu tiên yếu tố này. Bên cạnh yếu tố về cảm xúc, những yếu tố thực tiễn như giá trị xứng đáng với số tiền bỏ ra (45%), chất lượng món ăn (44%), và độ an toàn của nguyên liệu (41%) cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định của người tiêu dùng.
Để phát triển, các thương hiệu F&B cần tập trung vào việc duy trì chất lượng đồng đều, đảm bảo giá trị, và xây dựng niềm tin với khách hàng. Bằng cách tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi này, doanh nghiệp có thể giữ vững sức cạnh tranh và sự thu hút đối với người tiêu dùng.
Thue Quist Thomasen, CEO của Decision Lab, nhận định dù hành vi của người tiêu dùng có thay đổi, họ vẫn ưu tiên giá trị kinh tế, hương vị món ăn, và chất lượng nguyên liệu, nhấn mạnh sự quay trở lại với những điều cơ bản nhất của ngành F&B.
Nguồn: https://congthuong.vn/nguoi-viet-uu-tien-tiet-kiem-nhung-viec-an-uong-ngoai-van-quan-trong-351220.html