Trong số những người đã hoặc đang ấp ủ dự định nghỉ hưu sớm, có một nhóm lớn bỏ phố về quê làm nông dân. Không khó để tìm những nhóm “Bỏ phố về rừng”; “Bỏ phố về biển”; “Bỏ phố về quê” trên mạng xã hội… Các nhóm này thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia, trong đó có cả sinh viên chưa tốt nghiệp ra trường.
Khi đặt một câu hỏi liên quan đến những khó khăn sẽ gặp phải khi nghỉ hưu sớm trong hội “Bỏ phố về rừng” trên Facebook, người viết nhận về hàng loạt tâm sự của những người trong cuộc.
Mẹ cạo đầu phản đối chuyện nghỉ hưu sớm…
Sau 16 năm học và làm trong ngành y, chị Trí Thanh (38 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa) đã quyết định từ bỏ công việc ổn định, cùng gia đình nhỏ về quê sinh sống. Chị Thanh chia sẻ: Từ nhỏ, ba mẹ đã đặt rất nhiều kỳ vọng, họ luôn mong chị sẽ trở thành một bác sĩ có tài, có đức và thăng tiến trong tương lai. Do đó, khi biết tin chị xin nghỉ việc, mẹ đã phản đối rất kịch liệt.
“Thời điểm đó, mẹ đã cạo đầu phản đối, tạo áp lực để ngăn cản tôi, mẹ sợ rằng xã hội sẽ có cái nhìn xấu cho gia đình nếu con cái bỏ việc. Tôi nghẹn ngào lắm, chỉ biết tâm sự cùng chồng rồi cả hai động viên nhau vượt qua”, chị Thanh bộc bạch.
Khi quyết định từ bỏ một công việc nhiều người ao ước, phải học hành vất vả nhiều năm mới có thể ra nghề, bản thân chị Thanh cũng có những khổ tâm riêng: nhớ công việc, khó khăn tài chính, áp lực từ phụ huynh…
“Bỏ phố về quê không phải là câu chuyện cá nhân mà còn liên quan đến gia đình, xã hội. Ba mẹ nếu có ngăn cản cũng là vì họ thương và lo cho mình. Vậy nên các bạn trẻ nếu muốn nghỉ hưu sớm thì trước hết phải sống và làm việc hết mình đi đã. Chỉ nên nghỉ khi thời cơ đã chín muồi. Làm nông dân cũng không phải dễ, có thể không cần chuyên môn nhưng kỹ năng và sức chịu đựng có khi còn đòi hỏi gấp đôi trên thành phố”, chị Trí Thanh nói.
“Sốc văn hóa” khi bỏ phố về quê
Thay vì theo đuổi ước mơ, gầy dựng sự nghiệp, chị Trần Hồng Thảo (32 tuổi) đã một thân một mình rời xa phố thị, tìm về một miền quê ở tỉnh Hậu Giang để sinh sống.
Thời gian đầu khi bỏ phố về quê, chị Thảo bị sốc văn hóa.
“Vốn tưởng thay đổi môi trường sống, tôi sẽ có được cuộc sống bình yên như tưởng tượng. Nhưng thực tế phũ phàng lắm, về quê chính là sống trong sự thiếu thốn, bấp bênh, có cả lo âu và sợ hãi…”, chị Thảo tâm sự.
Nơi chị ở khá hẻo lánh, không có siêu thị, khu vui chơi hay các hàng quán, trung tâm y tế cũng rất xa. Thậm chí nhiều khi còn thiếu nước sạch để sinh hoạt, muốn ăn mấy món ngon như thịt, hải sản phải đi xa để mua hoặc trả phí cao gấp nhiều lần nếu mua tại chỗ.
Chị nhớ lại: “Thời gian đầu về đây, tôi sốc lắm, 7 giờ tối là nhà nào cũng đóng kín cửa, ánh đèn leo lét. Là con gái độc thân, chuyện bị đàn ông chọc ghẹo là bình thường, chưa kể việc nơi thôn quê một số vùng an ninh chưa được đảm bảo”
Đến nay, chị Thảo đã về quê được hơn 3 năm, cũng dần quen với cuộc sống bình yên và có đôi phần thiếu thốn này. Để khắc phục những khó khăn đó, ngoài làm nông, chị phải kinh doanh thêm cây cảnh online cho có thêm thu nhập, lắp đặt camera xung quanh nhà đề phòng bất trắc.
Chị Thảo chia sẻ thêm, đối với những người đã bỏ phố về quê sinh sống được một thời gian, nếu muốn quay trở lại thành phố làm việc như trước là khá khó. Bởi vốn liếng không có nhiều, kỹ năng làm nghề hao hụt, mối quan hệ cũng ít đi… Vậy nên trước khi đưa ra quyết định, các bạn trẻ phải suy nghĩ thật kỹ, hãy nghỉ hưu sớm chủ động chứ không nên chạy theo phong trào.
Cần chuẩn bị gì nếu nghỉ hưu sớm?
Là chủ nhân của kênh TikTok “lê thơ Đà Lạt”, chị Phạm Mai Linh đã có clip hơn 1 triệu lượt xem khi chia sẻ về hành trình nghỉ hưu sớm của mình.
Từ khi còn trẻ, chị Linh được đề cử lên làm CEO cho một công ty du lịch, tự kinh doanh nhà hàng, điều hành rất nhiều dự án lớn nhỏ… Thế nhưng đến năm 28 tuổi, cô gái này quyết định từ bỏ tất cả để nghỉ hưu sớm, sang Bali (Indonesia) nghỉ dưỡng một năm rồi sau đó chuyển hẳn lên Đà Lạt sinh sống.
Chị cho hay bỏ thành phố để lên rừng ở cũng không phải chuyện dễ, nếu không trang bị đủ vốn sống cho mình và có quyết tâm vững vàng thì khó lòng mà vượt qua.
“Ngày trước hay bây giờ tôi đều hạnh phúc, chỉ là hạnh phúc theo những cách khác nhau. Tuổi trẻ lao đầu vào công việc, dành trọn thanh xuân để cống hiến là điều nên làm. Tôi không nghỉ hưu vì áp lực, chán ghét công việc mà đơn giản là muốn tìm một công việc mới nhẹ nhàng hơn, đúng với đam mê của mình”, chị Linh bộc bạch.
Chị cũng nhấn mạnh rằng các bạn trẻ chưa ra trường hãy khoan nghĩ đến chuyện này, tuổi trẻ đẹp lắm nên cứ cho phép bản thân được thử và được sai. Và các bạn phải chịu khổ, phải đặt mình vào những hoàn cảnh khó khăn nhất thì mới nhận ra đâu là giới hạn của chính bản thân. Tất cả những điều đó mới là hành trang vững vàng nhất mà các bạn có thể mang theo trong kỳ nghỉ hưu tương lai.
Cũng theo chị Linh, nghỉ hưu không phải là ngừng làm việc, ngừng tạo ra giá trị cho cuộc đời, càng không phải là tách biệt mình với xã hội. Mà đơn giản là chọn một lối sống khác để có cơ hội quan sát, nuôi dưỡng “đứa trẻ” bên trong mình nhiều hơn.
Nghỉ hưu sớm, tài chính và tâm lý, cái nào quan trọng hơn?
Bên dưới bài đăng của người viết trong nhóm “Bỏ phố về rừng”, có rất nhiều người tranh luận giữa tài chính và tâm lý, thì cái nào cần được chú trọng hơn khi nghỉ hưu sớm.
Theo ý kiến của những người từng trải, nhiều bạn trẻ khi nghỉ hưu sớm đã quá chú trọng về mặt tài chính, kiếm tiền bất chấp sức khỏe. Nhưng sự thật là khi về hưu non, tâm lý mới là điều đáng lo ngại nhất. Nhiều người chủ quan bỏ qua điều này nên đã bị chán nản, mất phương hướng, thiếu kết nối, tự cô lập mình với cộng đồng sau kỳ nghỉ hưu.
TS Lê Thị Mai Liên (Trưởng khoa Tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) có lời khuyên: “Nghỉ hưu sớm không phải chuyện xấu, xã hội vẫn luôn tôn trọng quyết định của người trẻ. Trong “bánh xe cuộc đời”, sức khỏe tài chính và sức khỏe tinh thần dường như có vai trò quan trọng như nhau. Vậy nên, bên cạnh việc có được tài chính vững vàng thì việc bồi dưỡng, chuẩn bị trước tâm lý, có những kế hoạch quản lý rủi ro cũng là điều nên và cần làm nếu muốn nghỉ hưu sớm”.