Lời tòa soạn:

Có những câu chuyện về thầy cô bình lặng nhưng để lại nhiều bài học giản dị, ý nghĩa. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, VietNamNet trân trọng giới thiệu đến bạn đọc diễn đàn “Chuyện giản dị về người thầy” – để chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc, những trải nghiệm không thể nào quên với những ‘người lái đò’. 

Ngày 20/11 đến gần, trong tâm hồn chúng ta, bao kỉ niệm của tuổi học trò đang ùa về và điều đáng trân quý nhất có lẽ là hình ảnh thầy cô, những người lái đò cao cả của chuyến đò tri thức.

Mỗi người đều có cho riêng một người thầy, người cô mình nhớ, yêu quý nhất. Tôi cũng có một người thầy như vậy khi học tập dưới mái Trường THPT Tây Thụy Anh (Thái Thụy, Thái Bình) – đó là thầy Trần Hải Triều, giáo viên dạy Thể dục, người thầy được bao thế hệ học sinh yêu quý  và kính trọng.

Nói đến môn Thể dục, hầu như ai cũng nghĩ đó là môn phụ và ít được học sinh, phụ huynh quan tâm. Tuy vậy, người thầy dạy Thể dục của tôi lại khác.

Những tiết học của thầy bao giờ cũng rất nghiêm túc, khi bước ra sân tập là phải thực hiện đầy đủ giáo án. Thầy luôn là người thị phạm trước, học trò sẽ thực hiện sau.

Đến giờ chúng tôi còn nhớ như in câu nói của thầy: “Mưa to là mưa nhỏ, mưa nhỏ là không mưa”, “Công việc là công việc”… Dù thời tiết có thử thách thế nào, chúng tôi vẫn say mê rèn luyện.

thầy giao the duc.jpg
Thầy Trần Hải Triều, giáo viên Thể dục Trường THPT Tây Thụy Anh (Thái Thụy, Thái Bình).

 Sau khi hoàn thành giáo án, cả thầy và trò sẽ tập hợp lại nói chuyện, chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống. Tôi còn nhớ buổi học ngày 1/4/2000, buổi sáng lên lớp, thầy có vẻ buồn. Sau khi cho chúng tôi khởi động và tập luyện như mọi ngày, thầy nói: “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa qua đời”, rồi thầy ngồi hát cho chúng tôi nghe những ca từ quen thuộc “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi – để một mai vươn hình hài lớn dậy”. Giọng hát mộc mạc nhưng tôi thấy trong đó là niềm say mê của thầy với nhạc Trịnh. Học trò chúng tôi cũng hiểu, sâu thẳm bên trong người thầy Thể dục mạnh mẽ, là một tâm hồn đa cảm và giàu yêu thương.

Khoảng năm học 2001-2002, trường chúng tôi được xây mới ở một địa điểm khác, thầy cô và học sinh được huy động để góp công, góp sức làm sân trường, đào ao, trồng cây… Giáo viên và học sinh đều không ngại vất vả, sau buổi lao động ai nấy đều lấm lem bùn đất, nhưng vẫn vui vẻ, không hề kêu than…

Thầy Triều khi đó làm bí thư chi đoàn giáo viên, phó bí thư đoàn trường, nên rất xông xáo trong công việc. Mỗi khi thấy học sinh mệt, thầy lại động viên: “Mưa to là mưa nhỏ, mưa nhỏ là không mưa nhé!”. Nó giống như câu khẩu hiệu để chúng tôi cố gắng hơn. 

Bạn bè tôi giờ vẫn nhắc tới những buổi tan học, thầy cùng học trò cháy hết mình trên sân cầu lông, sân bóng chuyền, khi đó gần như không còn khoảng cách, chỉ còn lại đam mê. Những lần dẫn học sinh thi đấu tại hội khỏe phù đổng của tỉnh, thầy ở bên ngoài chỉ đạo, hò hét còn nhiều năng lượng hơn cả học sinh trên sân đấu. Và sau đó, thầy luôn ở bên dù chúng tôi chiến thắng hay thất bại.

Tôi nhớ những lần cắm trại nhân kỉ niệm ngày thành lập đoàn 26/3, thầy đến từng lớp hướng dẫn học sinh cách cắm trại, treo cờ đoàn, cờ tổ quốc, ảnh Bác Hồ sao cho đúng, rất tỉ mỉ và nhiệt tình. Những đêm sinh hoạt lửa trại, nhảy múa, hát hò khan cả tiếng, chúng tôi còn nhớ như in.

Khoảng 10 năm sau khi ra trường, tôi gặp lại thầy trong một buổi giao lưu sinh hoạt đoàn. Thầy vừa cười vừa nói: “Thầy là bí thư đoàn già nhất khối THPT của tỉnh, học trò của thầy một số người đã lên hiệu trưởng, hiệu phó”. Tôi thấy trong câu nói đó là một trái tim và tâm hồn rất trẻ, một người thầy tâm huyết với nghề, một cán bộ đoàn tâm huyết với phong trào.

Bây giờ, thầy không còn làm công tác đoàn nữa, nhưng mọi phong trào của đoàn vẫn thấy sự tham gia của thầy, đầy nhiệt huyết. Thầy thường chia sẻ, thầy chỉ được đứng trên bục giảng vào tiết sinh hoạt lớp, giáo viên thể dục là những “người thầy không viết bảng”.

Nhiều thế hệ học sinh trưởng thành dưới mái Trường THPT Tây Thụy Anh luôn nhớ về thầy cô với sự quý trọng nhất. Dù ở bất kì đâu, chúng tôi luôn hướng về trường cấp 3 của mình khi có dịp. Người đón chúng tôi nhiều nhất vẫn là thầy Triều, với dáng hình nhỏ nhắn và nhanh nhẹn, tính tình vui vẻ, hòa đồng.

Thầy nhớ mặt, gọi tên rất nhiều học trò, dù thời gian đã ngót 20 năm. Trong những câu chuyện nhắc lại kỉ niệm thầy trò, thầy nói: “Bây giờ thầy từ thầy giáo thành ông giáo”, khi học trò thế hệ 7X, 8X bây giờ đã U40, U50 cả rồi, thậm chí có con cái tiếp tục theo học thầy.

Thầy của chúng tôi ngày nào còn là “thanh niên độc thân vui tính” giờ đã lên chức ông nội. Dù vậy, gặp thầy, chúng tôi như được trở về thành những cậu bé tuổi 16, 17 tinh nghịch, vô tư. Mỗi lần về trường, chúng tôi luôn tin sẽ được thầy chờ đón, hơn 20 năm mà sao thân thương và quen thuộc đến thế!

An Phú (Giáo viên ngữ văn tại TPHCM)