Vụ việc thầy giáo bị tấn công gây bức xúc cho nhiều người, đặc biệt là những thầy cô giáo như chúng tôi. Nỗi đau thể xác sẽ qua đi nhưng cú sốc về tinh thần với người thầy còn lâu mới nguôi ngoai. Phụ huynh đã thừa nhận là vì nóng quá nên đã cư xử thô bạo với người mà con mình gọi là thầy. Cái đau của những vết thương sẽ vơi dần, nhưng có những vết sẹo sẽ theo người thầy suốt đời.
Ở một góc độ khác, có nhiều sự việc được đăng tải trên mạng xã hội về thầy cô giáo chưa chắc là sự thật nhưng với tốc độ lan truyền chóng mặt của mạng xã hội, hiệu ứng xấu đã lan tỏa khắp mọi nơi. Trong thời gian ấy, giáo viên và những người thân, đồng nghiệp của các giáo viên đã phải hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích và “gạch đá” từ mạng xã hội.
Trong nhiều trường hợp, thầy cô giáo không thể tự bảo vệ mình trước những hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một số bậc phụ huynh và ngay cả học sinh. Giáo viên bị ràng buộc bởi những quy định của ngành. Theo điều lệ trường phổ thông, một trong những điều giáo viên không được làm là “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể học sinh”. Thậm chí, giáo viên sẽ bị xử phạt hành chính nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo Nghị định số 79 năm 2015 của Chính phủ. Nhiều thầy cô trăn trở: Không lẽ giáo viên không được phép la rầy khi các em có những hành vi sai trái hay sao?
Đối với giáo viên là như vậy còn với phụ huynh, học sinh thế nào? Những chế tài xử lý người có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể giáo viên đã quyết liệt hay chưa?
Thời đại công nghệ số, con người có thể nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là từ internet. Với những nguồn tin như thế, tôi nghĩ rằng mỗi người hãy tỉnh táo. Mỗi người cần phải biết kiểm chứng, thẩm định thông tin để đưa ra những nhận xét, bình luận có tính khách quan.
Điều quan trọng nữa là phải xác định nguồn gốc cũng như những dữ kiện liên quan đến thông tin, không thể nhìn hiện tượng để đánh giá bản chất, quy chụp hiện tượng trên mạng mà đánh giá một con người. Đây chính là văn hóa ứng xử trên không gian mạng.
Ở một góc độ khác, cha mẹ cần làm gương cho con cái. Những phụ huynh có hành vi khiếm nhã, “bắt nạt” giáo viên trên mạng hay ngoài đời có thể làm gương cho con về sự tôn sư trọng đạo hay không?
Trách nhiệm của người thầy là giáo dục học trò mình được nên người. Trong các biện pháp giáo dục, đôi khi là mềm dẻo, đôi khi phải cứng rắn trong chừng mực cho phép. Và người thầy cũng cần được bảo vệ, không thể để thầy cô đơn độc đối mặt với áp lực từ những hành vi khiếm nhã, thô lỗ của một số phụ huynh và học sinh trên mạng cũng như ngoài đời thật.