Câu chuyện cô giáo xin tiền phụ huynh mua máy tính cá nhân ngay lập tức khiến dư luận chú ý, dù từ lâu những lùm xùm chuyện đóng góp đầu năm vẫn thường xuyên xảy ra.
Đã từ lâu chuyện đóng góp đầu năm luôn vẫn là câu chuyện thường lệ đến hẹn lại lên, ai cũng biết, ai cũng hiểu. Đầu năm là đóng tiền, đủ mọi loại tiền khác nhau sẽ được đưa ra trong cuộc họp phụ huynh, thông qua ban cha mẹ học sinh. Phụ huynh trong thâm tâm thì tuyệt đại đa số không đồng tình nhưng thực tế thì vẫn phải ngậm bò hòn làm ngọt để có được sự “tự nguyện” của đông đảo cả một tập thể, lý do thì đương nhiên ai cũng biết: Vì tương lai con em chúng ta.
Từ tiền mua điều hòa nhưng năm nào cũng phải đóng, tiền điện chạy điều hòa, tiền máy chiếu… Gần đây thêm một số “loại hình” đóng góp mới xuất hiện tiền làm vệ sinh quét dọn lớp. Và mới đây nhất là câu chuyện giáo viên “thương lượng” để xin tiền phụ huynh mua máy tính cá nhân ở một trường tiểu học của TPHCM một lần nữa lại tạo sự chú ý.
Giữa cái vô lý tồn tại nhiều năm ấy, giường như những câu chuyện “độc lạ” sẽ không chỉ khiến dư luận chú ý mà sẽ được cộng hưởng những bất bình tích tụ về một tình trạng bất cập mà nhiều năm vẫn không được giải quyết một cách triệt để.
Ngôn ngữ dân gian có một từ khá thú vị đó là “xin đểu”. Ở đó người xin đặt mình ở địa vị cao hơn, ở “cửa trên” và người được xin, hay bị xin đương nhiên ở cái thế không cho không được hay thậm chí là bị cưỡng đoạt.
Trong câu chuyện cụ thể này, cô giáo nói xin phụ huynh. Theo lẽ thường, người được xin có quyền cho hoặc không cho, có quyền đồng ý hoặc không đồng ý. Tuy nhiên trong bối cảnh, con mình trong tay người ta, đó đã là một áp lực rất lớn khiến cơ bản phụ huynh không dám thể hiện quan điểm của mình một cách thẳng thắn hay nói đúng hơn là từ chối nếu thấy nó không hợp lý.
Câu chuyện cũng không dừng lại ở đó, ngay sau khi có phụ huynh “dũng cảm” từ chối phương án đóng góp tiền hỗ trợ giáo viên mua máy, lập tức đã được giáo viên phản hồi bằng cách hỏi đó là cha mẹ của học sinh nào.
Ở mức độ nào đó có thể coi đó là một hình thức “dằn mặt” “nhắc khéo” đối với phụ huynh “chống đối”. Chưa hết giáo viên tiếp tục thể hiện thái độ của mình bằng cách từ chối soạn đề cương ôn tập cho lớp.
Có thể khẳng định trong nhiều năm chúng ta vẫn chưa xác định được cho mình một triết lý một hướng đi rõ ràng cho giáo dục. Là đất nước ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo vẫn còn rất nhiều người lưu luyến với triết lý “nhất tự vi sư bán tự vi sư”, “tôn sư trọng đạo” gần như đạt đến mức vô điều kiện.
Nhưng ở một chiều hướng khác chúng ta cũng đã tiếp nhận quan điểm coi giáo dục như một ngành nghề cung cấp dịch vụ ở đó người học và gia đình của họ trả tiền và từ đó họ có những “yêu cầu” nhất định với cơ sở giáo dục với cả những người trực tiếp giảng dạy.
Về cơ bản những giáo viên cũng là nạn nhân của tình trạng “dở giăng dở đèn”. Họ cũng phải đối mặt với không ít áp lực phải đảm bảo cuộc sống cho bản thân cũng như gia đình mình, mâu thuẫn giữa thu nhập theo quy định của hệ thống ngạch bậc vẫn còn bất cập với những đòi hỏi từ thực tế đời sống.
Đến thời điểm hiện tại rất khó để khẳng định một giáo viên nếu thực hiện đúng những quy định của ngành, thu nhập của họ đảm bảo trang trải cho nhu cầu cá nhân cũng như gia đình của họ.
Trong những động thái gần đây nhất, đóng góp cho chủ trương cải cách tiền lương vẫn có rất nhiều ý kiến đề xuất việc đưa giáo viên vào danh sách những nghề được trả lương cao nhất, đã chứng minh cho những bất cập hiện tại.
Chỉ có điều giữa những bất cập, khó khăn đó người làm thầy cũng không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh để rồi tự cho mình quyền được sách nhiễu phụ huynh, thậm chí mức độ nào đó là đe dọa những đứa trẻ ngồi trên ghế nhà trường.
Xét đến cùng, học sinh không hề mong muốn căng thẳng trong quan hệ với giáo viên, phụ huynh lại càng không mong điều đó. Có lẽ chỉ khi nào cả giáo viên phụ huynh cũng như xã hội cùng chia sẻ một cách nhìn cùng chung quan điểm mỗi người đóng góp một phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục, khi đó mọi chuyện mới có thể có những tiến bộ, cải thiện thực sự.
Trên hết, mỗi người lớn cần xác định mỗi hành động, lời nói của chúng ta cũng chính là tấm gương cho thế hệ sau học hỏi. Muốn có những thế hệ người Việt sau này là những con người tốt cả về thể chất, tinh thần cũng như nhân cách, mọi chuyện cần bắt đầu từ chính hôm nay…
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/co-giao-xin-tien-mua-may-tinh-va-tam-guong-xau-cho-tre-20240929225818015.htm