Mới đây, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Oanh (27 tuổi) tới cấp cứu trong tình trạng toàn thân nổi mẩn ngứa, khó thở, đau tức ngực. Người phụ nữ bị ngừng tuần hoàn 15 phút, sau cấp cứu có mạch trở lại.
Các triệu chứng này xuất hiện chỉ sau hai tiếng sau bữa ăn có món châu chấu rang. Từ đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ nghi do ăn châu chấu chiên giòn.
Mặc dù được xử trí đặt ống nội khí quản, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, cho thở máy và truyền dịch…, song không hồi phục. Đến 3h ngày 15/8, gia đình tiên lượng nặng nên xin đưa nạn nhân về nhà, vài tiếng sau thì tử vong.
Theo thông tin, vào chiều ngày 14/8, gia đình chị Oanh tổ chức ăn uống, trong đó có món châu chấu rang. Một số người khác cũng ăn món này song không có triệu chứng.
Châu chấu hay còn được gọi là hoàng trùng, thân màu xanh vàng, lục vàng hoặc nâu bóng. Đầu châu chấu hình tam giác tù, râu sợi ngắn và mỏng, bụng có ngấn, hai chân sau to hơn hai chân trước. Con nhỏ thân dài 1-2 cm, khi trưởng thành dài 3-4 cm.
Châu chấu thường xuất hiện sau vụ gặt lúa đông xuân, tại các khoảnh vườn và ruộng bỏ hoang. Người dân tại một số vùng thường bắt châu chấu về chế biến các món ăn mỗi khi vào mùa.
Tuy nhiên, các món ăn từ côn trùng như ong, trứng kiến, nhộng tằm, châu chấu, cào cào, mối, ve sầu…, được nhiều người coi là đặc sản, song khiến không ít trường hợp ngộ độc, sốc phản vệ, nguy hiểm tính mạng.
Để phòng ngừa các trường hợp nói trên, người dân cần nên hạn chế ăn thức ăn lạ hay côn trùng. Người có cơ địa dị ứng xuất hiện triệu chứng bất thường sau khi ăn, như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, cần đến bệnh viện ngay để kịp thời xử trí.
Lê Trang