(Dân trí) – Vì nhà quá khổ, vợ chồng nghèo ở Ninh Thuận đành gửi con vào cô nhi viện nhờ nuôi giúp, nhưng không ngờ lại thất lạc từ đó. Ngày tìm được nguồn cội, cô con gái khóc nức nở vì ba mẹ đã qua đời.
“Giây phút trút hơi thở cuối cùng, ba mẹ vẫn dặn hai chị cố tìm được em”, chị Lan và chị Bích nghẹn ngào, nói trong buổi hội ngộ với em gái thất lạc hơn 53 năm.
Cầm di ảnh ba mẹ trên tay, chị Ngọc, người em gái thất lạc, khóc nức nở vì đây là lần đầu được biết mặt đấng sinh thành. Thế nhưng, chị chỉ có thể nhìn qua bức ảnh, vĩnh viễn không được cảm nhận hơi ấm từ ba mẹ.
Video ghi lại cảnh đoàn tụ của 3 chị em khiến nhiều người rơi nước mắt, thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội.
Theo lời kể của chị Lan, gia đình chị sinh sống ở thành phố Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận), trong hoàn cảnh nghèo khó. Sinh 2 người con gái đầu, ba mẹ đã phải chật vật, thiếu trước hụt sau nhưng vẫn cố cho các con không bị đói ăn.
Năm 1971, ba mẹ chị chào đón một cặp song sinh, đặt tên là H. và Ngô Thị Yến Ngọc. Thế nhưng, biến cố chợt ập tới khi mẹ bị mắc bệnh sau sinh, không còn khả năng cho con bú. Nhà lại quá nghèo, đôi vợ chồng không còn cách nào khác nên đành nuốt nước mắt gửi cặp song sinh vào cô nhi viện, nhờ các sơ nuôi giúp.
Ngày ba bế hai em đi, chị Bích đuổi theo chiếc xe lam vì không muốn xa em. Thấy cảnh đó, ba chị chỉ có thể quay mặt đi, giấu ánh mắt đau buồn. Cứ thế, chiếc xe đi mất hút và cũng là lần cuối chị nhìn mặt các em.
Dù gửi con vào cô nhi viện, nhưng thỉnh thoảng, ba mẹ vẫn ghé thăm. Một thời gian sau, đôi vợ chồng nhận tin H. đã qua đời do bệnh tật. Chưa hết đau buồn, cả hai lại hay tin chị Ngọc được một sư bà tên Ngô Liêm Dĩnh mang về thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) nuôi dưỡng, nhưng không có bất kỳ thông tin liên lạc nào.
“Thời ấy, phương tiện liên lạc chưa phát triển như bây giờ, gia đình lại khó khăn nên chỉ có thể tìm kiếm trong điều kiện hạn hẹp. Hàng chục năm trôi qua, đến khi mất, ba mẹ vẫn có nguyện vọng chúng tôi sẽ tìm được em. Hằng ngày, cứ 3h là tôi dậy đọc kinh Phật, cầu mong đến ngày hội ngộ”, chị Bích bộc bạch.
Mãi sau này khi đoàn tụ, hai người chị mới biết sự thật là chị Ngọc được sư bà đưa về tỉnh Long An nuôi dưỡng. Khi lên 2 tuổi, chị theo sư lên TPHCM đi học rồi đi làm.
Thấy chị đã trưởng thành, sư bà mới đưa giấy khai sinh của chị và kể mọi chuyện về ba mẹ ruột. Mặc dù rất muốn đi tìm ba mẹ, chị Ngọc đành giấu trong lòng vì sợ sư bà buồn.
Một thời gian sau, sư bà – người thân duy nhất của chị Ngọc – qua đời khiến chị mất đi chỗ dựa tinh thần. Sự cô đơn ấy càng thôi thúc chị tìm về cội nguồn.
Theo dõi mạng xã hội, chị tìm đến một kênh Youtube chuyên kết nối tìm lại người thân thất lạc. Dù không mấy khá giả, chị Ngọc vẫn gói ghém tiền tích cóp, trích ra 5 triệu đồng để dành trao cho người biết tin về gia đình mình.
Chỉ sau một ngày đăng bài, chị đã nhận tin báo tìm được người thân. Người báo tin biết chị có hoàn cảnh khó khăn, cũng từ chối nhận tiền.
Trong lần gặp đầu tiên qua màn hình điện thoại, chị Ngọc bất ngờ đến mức không biết bộc lộ cảm xúc như thế nào. Sau khi xác nhận các thông tin trùng khớp, hai chị gái đã đi từ Ninh Thuận vào TPHCM để đoàn tụ.
Lúc hội ngộ, chị Bích và chị Lan ôm chầm lấy em, khóc nức nở. Chị Ngọc sau một hồi cũng không thể kiềm nén cảm xúc, vỡ òa trong vòng tay hai chị.
“Tụi chị dù không giàu có, nhưng có để sẵn một căn nhà ở quê chờ em về ở. Ngày nào tụi chị cũng mong em sẽ nhớ lại, tìm về với gia đình. Giờ tìm được em rồi, tụi chị không muốn em phải sống cô đơn nữa. Nếu muốn, em hãy về ở cạnh hai chị, để chị em mình nương tựa nhau”, chị Lan xúc động, nói.
Chị Bích cho hay bản thân cảm động trước tấm lòng của hai chị, nhưng vì không muốn phụ công ơn nuôi dưỡng của sư bà, chị bày tỏ muốn ở lại TPHCM để chăm sóc những sư bà khác.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/nguoi-phu-nu-khoc-nac-ngay-hoi-ngo-cha-me-chi-con-lai-di-anh-20241120160407035.htm