(Dân trí) – “Mẹ ngỡ con sẽ hận mẹ lắm. Mẹ xin lỗi, mẹ sai rồi con ơi…”, gặp lại con gái ruột sau 23 năm xa cách, bà Ngọc ôm chầm lấy con, khóc nức nở như một đứa trẻ.
Người mẹ mất một ngón tay
“Em chính là mẹ ruột của bé My. Đây chính là ngón tay trước đây em tự chặt đứt. Anh chị đã nhận nuôi con giúp em, còn cho tiền đi trị thương, anh chị có nhớ không?…”, qua màn hình điện thoại, bà Ngọc vừa khóc, vừa cuống quýt hỏi ông bà Y Ten.
Những đoạn clip ghi lại hành trình đoàn tụ của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (SN 1970, ngụ tại tỉnh Gia Lai) và chị Nguyễn Thị Trà My (SN 1995, ngụ tại tỉnh Phú Yên) đã lấy đi nước mắt của cộng đồng mạng, thu hút hơn 1 triệu lượt xem và hàng chục nghìn lượt tương tác.
Trước đây, bà Ngọc kết hôn và sinh 2 người con, đặt tên là Anh Tuấn và Trà My. Thời điểm ấy, cuộc sống mưu sinh vất vả, chồng đột ngột bỏ đi, để lại cho bà Ngọc một nách 2 đứa con thơ.
Thấy bản thân không đủ sức gánh vác, nuôi con, bà quyết định đi thêm bước nữa để mẹ con có chỗ nương tựa, mong cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thế nhưng, không được bao lâu, vợ chồng bà Ngọc nhiều lần cãi vã, sứt mẻ. Đỉnh điểm mâu thuẫn trong gia đình ập tới khi con trai chung của họ không may qua đời. Sau biến cố đó, 3 mẹ con bà Ngọc càng bị nhà chồng khinh thường, đối xử tàn tệ.
Không muốn con phải chịu những trận đòn roi vô cớ, bà Ngọc lại dứt áo, bế con rời bỏ nhà chồng. Ngày rời đi, vì quá giận những người nhà chồng vô tình, người phụ nữ khốn cùng đã tự chặt đứt một ngón tay để “ghi thù”. Bà gửi con trai đầu về bên ngoại nhờ trông nom, còn con gái thì mang theo bên mình trên hành trình lang bạt.
Chuỗi tháng ngày cực khổ khó tưởng tượng của 2 mẹ con nối dài. Hằng ngày, nếu không có ai cho đi nhờ xe máy, bà Ngọc phải cõng con đi bộ 32km, đến rẫy cà phê để làm thuê.
Cuộc sống thiếu trước hụt sau, không có tiền chữa trị nên ngón tay bị thương của người mẹ nghèo mãi không khỏi, diễn biến mỗi lúc một nặng, nghiêm trọng hơn.
“Lúc đó, tôi mới nghĩ đến chuyện gửi con cho một người Ê Đê trong bản hay đến làm, để con có cuộc sống đủ đầy hơn. Tôi dặn con ở lại buôn làng chơi một lát, đi công chuyện xong sẽ quay lại đón, nhưng thực tế là tôi đi thẳng, không trở lại. Đôi vợ chồng nhận nuôi con tôi còn thương tình, đưa tôi một số vàng để chữa trị vết thương”, bà Ngọc nghẹn ngào kể.
Cuộc hội ngộ không oán hận
Ông Y Ten (59 tuổi, ngụ tại buôn Bầu, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), ba nuôi của chị My, cho hay lúc ấy, chị My chỉ mới 7 tuổi. Chờ một hồi lâu nhưng không thấy mẹ quay về đón, My đã khóc rất nhiều.
“Vợ chồng tôi phải ra chợ mua bánh, sữa dỗ dành thì con mới nín khóc. Lúc đó, chúng tôi không có con nên quyết định nhận nuôi My. Dường như cảm nhận tình thương của chúng tôi nên dần dà, My không còn sợ hãi nữa, sớm hòa nhập với cuộc sống ở buôn làng”, ông Y Ten chia sẻ.
Dù gia cảnh không mấy khá giả, vợ chồng ông Y Ten vẫn cố gắng nuôi con khôn lớn, cho con tất cả những gì mình có. Song vì không có nhiều điều kiện, nhà lại cách xa thị trấn, chị My chỉ học đến lớp 3 rồi nghỉ.
Sau đó, cô gái đi chăm bò, làm rẫy phụ ba mẹ kiếm thêm thu nhập, chu toàn cuộc sống gia đình. Lớn lên, chị được ba mẹ mai mối, kết hôn với người trong làng, vợ chồng sinh 3 con. Nhờ mảnh đất của gia đình giao cho, vợ chồng chị trồng và thu hoạch khoai mì, có tiền nuôi con.
Dù hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hiện tại, chị My cũng không khỏi đau đáu về lí do mẹ ruột rời bỏ mình.
Về phía bà Ngọc, suốt 20 năm xa con, bà lúc nào cũng tự trách và ân hận. Nhưng vì cuộc sống vẫn còn thiếu thốn, bà vẫn chưa dám đi tìm con.
Tuy nhiên, vài tháng trước, thấy không thể chịu đựng thêm nỗi nhớ, nỗi dằn vặt, bà quyết định liên hệ với một kênh Youtube chuyên tìm kiếm người thân thất lạc để lan tỏa thông tin.
Chỉ sau vài tiếng đăng tải đoạn clip lên Youtube, bà Ngọc đã kết nối được với vợ chồng ông Y Ten. Ngày tới buôn Bầu, gặp lại con gái sau hàng chục năm xa cách, bà Ngọc đã ôm chầm lấy chị My, cả hai bật khóc nức nở.
“Ba mẹ nuôi hay tin mẹ đi tìm con, ông bà rất vui và không giận hờn gì. Con cũng vậy”, chị My nói trong nước mắt.
Bà Ngọc cho hay bà sẽ không ép con gái về nhà với mình mà sẽ thường xuyên đến thăm. Chị My chia sẻ bản thân cũng không rời xa ba mẹ nuôi, sẽ ở lại trong buôn để phụng dưỡng ông bà.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/ban-con-vi-qua-kho-me-khoc-nghen-ngay-gap-lai-sau-23-nam-20241207125412334.htm