Thành phần dinh dưỡng của mướp đắng
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn nguồn trang Webmd cho biết, lượng và loại chất dinh dưỡng mà bạn có thể nhận được từ mướp đắng sẽ phụ thuộc vào việc ăn sống hay nấu chín. Có ít nhất 32 loại hóa chất hoạt động trong loại quả này.
Bạn có thể nhận được các chất dinh dưỡng sau đây khi ăn 1 cốc (130 gram) mướp đắng nấu chín:
- Lượng calo: 53,3 kcal
- Chất đạm: 1,07g
- Tổng lượng chất béo: 3,52g
- Carbohydrate: 5,45g
- Đường: 2,46g
- Chất xơ: 2,47g
Mướp đắng cũng chứa các loại vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa sau:
– Vitamin: Mướp đắng là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời (chứa khoảng 41,5g vitamin này trong 1 cốc), một lượng lớn folate (dạng tự nhiên của vitamin B9) mà các tế bào cần để phát triển.
– Khoáng chất: Mướp đắng có lượng canxi gấp đôi so với rau bina và lượng kali gấp đôi so với chuối.
– Chất chống oxy hóa: Mướp đắng chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giúp bảo vệ tế bào khỏi tình trạng viêm và tổn thương oxy hóa. Trong số đó, những chất mạnh nhất là axit gallic, axit chlorogenic, catechin và epicatechin.
Vitamin C trong mướp đắng hoạt động như chất chống oxy hóa, giúp cơ thể hấp thụ sắt. Vitamin C cần thiết để hỗ trợ da, xương và mô liên kết khỏe mạnh; hỗ trợ sản xuất collagen, chữa lành vết thương, chuyển hóa protein và tốt cho chức năng miễn dịch.
Những người không nên ăn mướp đắng
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, tuy mướp đắng nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe, nhưng có một số nhóm người không nên dùng loại thực phẩm này. Đó là các nhóm người sau:
- Bà bầu, nhất là khi mang thai ở giai đoạn đầu và phụ nữ đang cho con bú
- Trẻ em
- Bệnh nhân huyết áp thấp
- Người có vấn đề vệ hệ tiêu hóa
- Bệnh nhân trước và sau khi thực hiện phẫu thuật (ngừng ăn tối thiểu là 2 tuần trước và sau phẫu thuật)
- Những người bị thiếu canxi
- Những người bị thiếu men G6PD
Những điều cần lưu ý khi sử dụng mướp đắng
Sử dụng quá nhiều mướp đắng có thể khiến bạn bị đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, tiêu chảy. Bên cạnh đó, việc lạm dụng loại thực phẩm này tiềm ẩn rủi ro dẫn đến tình trạng tụt đường huyết đột ngột, gây nhức đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, có thể bị choáng và ngất.
Để đảm bảo cho hiệu quả nhận được và tránh phải đối diện với các tác dụng phụ không mong muốn, bạn có thể ghi nhớ một vài lưu ý khi sử dụng mướp đắng như sau:
- Tiêu thụ lượng vừa phải, không nên lạm dụng.
- Không kết hợp sử dụng mướp đắng với tôm hoặc ăn cùng lúc với sườn heo chiên hay măng cụt.
- Tránh uống trà xanh sau khi ăn mướp đắng vì có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày. Thay vào đó, nên đợi một vài tiếng sau khi ăn xong rồi mới uống.
- Không nên ăn mướp đắng khi bụng đói.
Thông qua bài viết trên đây, bạn đọc đã được biết thêm một số thông tin liên quan đến quả mướp đắng về thành phần dinh dưỡng cũng như một số điều nên biết khi sử dụng loại thực phẩm này. Qua đó, có thể góp phần giúp bạn biết cách sử dụng hiệu quả mướp đắng trong chế độ dinh dưỡng để tận dụng những lợi ích tuyệt vời mà nó đem lại.
Nguồn: https://vtcnews.vn/nguoi-nao-khong-nen-an-muop-dang-ar907222.html