Chị Nguyễn Thị Ngọc Dựa, sinh năm 1989, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có 3 đứa con. Tuy nhiên, đứa con thứ 2 tên Đặng Thị Tuyết T. (8 tuổi) không may mang trong mình nhiều dị tật bẩm sinh như: tim bẩm sinh, thận đôi và chậm phát triển tâm thần vận động.
Do bệnh tật kéo dài, bé T. phải nhập viện nhiều lần và sức khỏe ngày càng suy kiệt. Mặc dù đã 8 tuổi nhưng trọng lượng của bé chỉ trên 20kg. Hoàn cảnh gia đình của chị Dựa gặp nhiều khó khăn. Hai vợ chồng chị đều là công nhân, phải vất vả lo toan khi bé T. sinh ra đã bệnh nặng.
Mới đây, sau một đêm sốt cao, co giật, tím tái, sùi bọt mép, bé T. đã chuyển biến xấu, với tình trạng sốc nhiễm trùng do nhiễm trùng huyết và viêm phổi nặng.
Sau đó, bé được chuyển từ Bệnh viện đa khoa khu vực Cai Lậy lên điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Nhi (Bệnh viện đa khoa Tiền Giang). Sau 11 ngày được điều trị tích cực với thở máy, vận mạch, kháng sinh, truyền dịch dinh dưỡng và ăn qua ống, bé đã vượt qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ Võ Nhựt Thường chăm sóc cho bé T., con chị Dựa. |
Bác sĩ Võ Nhựt Thường, Khoa Hồi sức tích cực chống độc Nhi cho biết, tính đến ngày 24/9, bé T. đã điều trị tại khoa tổng cộng 32 ngày. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của em đã ổn định, bé có thể tự thở, ăn uống trở lại và đang tiếp tục được các bác sĩ chăm sóc, điều trị cho tình trạng suy dinh dưỡng nặng.
Sự hồi phục này là một niềm vui lớn đối với gia đình và đội ngũ y bác sĩ, thể hiện sự kiên trì của bé T. trong hành trình vượt qua bệnh tật và sự tận tâm của các y, bác sĩ đã luôn bên cạnh, chăm sóc cho em từng giây, từng phút.
Mặc dù, gia đình đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế và sức khỏe của con, chị Dựa luôn có tinh thần sẻ chia cao đẹp. Sau khi bé T. qua được cơn nguy kịch, chị Dựa đã không chỉ dành tất cả tình thương cho con mình mà còn dành sự quan tâm đặc biệt đến những bệnh nhi khác trong khoa.
Chị nhận thấy các bé sơ sinh trong Khoa Hồi sức tích cực chống độc Nhi cần có nón len để giữ ấm đầu, đồng thời, giúp cố định dây thở oxy một cách tốt hơn. Chị Dựa đã chủ động nhờ các cô điều dưỡng đo kích thước vòng đầu của từng bé và đêm, ngày tự tay đan những chiếc nón len, phù hợp từng cân nặng khác nhau 1-3kg.
Mang nón len giúp bé được ấm đầu và thuận tiện cho bác sĩ chăm sóc. |
Những chiếc nón len này không chỉ là vật dụng thiết thực giúp các bé sơ sinh giữ ấm, mà còn là tấm lòng của sự chia sẻ yêu thương giữa những người cha, người mẹ cùng cảnh ngộ chăm sóc con tại bệnh viện.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Dựa tâm sự: “Sau này, con mình xuất viện, chị cũng dành thời gian nhàn rỗi lúc ở nhà để tiếp tục may các nón len tặng cho các cháu sơ sinh tại bệnh viện.
Mặc dù, giá trị của mỗi chiếc nón không bao nhiêu. Nhưng trong thời gian chăm sóc cho con tại bệnh viện, chị mới cảm nhận được sự đau khổ, lo lắng của người cha, người mẹ khi con mình trở nặng. Mỗi chiếc nón tặng cho các bé, mình mong đó là những liều thuốc tinh thần giúp các bé vượt qua bệnh tật, cha mẹ nhẹ đi phần nào sự lo lắng cho con”.
Bác sĩ Võ Nhựt Thường chia sẻ: “Sự tận tâm và tình cảm chân thành của chị Dựa đã truyền cảm hứng cho toàn bộ Khoa Hồi sức tích cực, chống độc Nhi, tạo nên một bầu không khí ấm áp và đầy nhân ái trong môi trường vốn căng thẳng của việc chăm sóc các bệnh nhi đa số bệnh nặng tại khoa.
Khoa Hồi sức tích cực, chống độc Nhi cảm ơn tấm lòng của chị Dựa và gia đình, không chỉ vì sự cống hiến cho các bệnh nhi khác mà còn là tấm gương sáng vượt qua những khó khăn cá nhân để lan tỏa tình yêu thương đến cộng đồng”.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Quang Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Tiền Giang cho biết: “Chúng tôi rất xúc động khi được biết chị Dựa trong quá trình ở tại bệnh viện, chăm sóc con của mình đang nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, chống độc Nhi, chị đã tranh thủ thời gian để tự tay đan những chiếc nón len kích cỡ nhỏ và cực nhỏ, phù hợp cho những trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân đang nằm điều trị bệnh nặng để mang vào giữ ấm trẻ.
Những chiếc nón len này ngoài thị trường rất khó tìm vì phải làm linh hoạt sao cho thích hợp, thuận tiện trong việc nuôi ăn, truyền dịch, vệ sinh trẻ hằng ngày.
Đây là việc làm mang lại nhiều ý nghĩa nhân văn và hiệu quả thực tiễn sử dụng cao. Quan trọng hơn hết, nó thể hiện được tấm lòng của những bà mẹ, sự yêu thương vô bờ bến đối với các con. Việc làm này cũng là một liều thuốc tinh thần, lan tỏa sự yêu thương, giúp cho các bà mẹ hiện có con đang điều trị tại bệnh viện luôn lạc quan và cũng góp phần trong việc chăm sóc, điều trị trẻ mau lành bệnh”.
Nguồn: https://nhandan.vn/nguoi-mang-yeu-thuong-den-cac-chau-so-sinh-o-benh-vien-da-khoa-tien-giang-post832891.html