Người mắc ung thư có thể chọn môn chạy để rèn luyện sức khỏe, nhưng cần phù hợp tình trạng bệnh. Chuyên gia của Bệnh viện K đưa ra tư vấn cụ thể như sau.
“Người mắc ung thư có thể chạy để rèn luyện sức khỏe, nhưng cần phù hợp tình trạng bệnh. Mỗi loại bệnh có chế độ tập luyện khác nhau”, GS-TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), chia sẻ tại giải chạy “Hành trình tiếp sức” gây quỹ hỗ trợ người bệnh ung thư có hoàn cảnh khó khăn, được tổ chức sáng qua (8.12) tại Hà Nội.
KHI NÀO ĐI BỘ, KHI NÀO CHẠY BỘ?
Về cách chạy phù hợp, TS Quảng nêu ví dụ, bệnh nhân phẫu thuật phổi do u phổi thì phổi chưa tốt, chỉ nên đi bộ. Khi đủ điều kiện sức khỏe thì có thể chạy với tốc độ chậm. Với các loại ung thư khác, bệnh nhân vẫn có thể chạy hoặc tập thể dục, miễn là phù hợp thể trạng; có sự tiêu hao năng lượng, có ra mồ hôi sẽ giúp đào thải độc tố.
Bản thân tôi cũng tham gia chạy bộ từ khoảng 5 năm trước, tuần nào tôi cũng chạy ít nhất 4 buổi, mỗi buổi 5 – 8 km. Không phải chạy nhanh mà chạy vừa sức để rèn sức khỏe. Chạy hay vận động thể lực đều giúp cơ thể có sức khỏe tốt hơn, làm việc tốt hơn.
GS-TS Lê Văn Quảng (Giám đốc Bệnh viện K)
“Chạy là vận động toàn thân, tốt cho sức khỏe. Bản thân tôi cũng tham gia chạy bộ từ khoảng 5 năm trước, tuần nào tôi cũng chạy ít nhất 4 buổi, mỗi buổi 5 – 8 km. Không phải chạy nhanh mà chạy vừa sức để rèn sức khỏe. Chạy hay vận động thể lực đều giúp cơ thể có sức khỏe tốt hơn, làm việc tốt hơn”, TS Quảng chia sẻ thêm.
HAI NHÓM NGUYÊN NHÂN LỚN LIÊN QUAN UNG THƯ
Làm thế nào để chủ động ngừa ung thư? Giám đốc Bệnh viện K trả lời: Về nguy cơ ung thư, trên 33% là do thuốc lá. Bỏ thuốc lá là giảm nguy cơ ung thư. Yếu tố thứ hai gây ung thư là thức ăn, thức uống. Bản thân thức ăn không gây ung thư, mà cách chúng ta chế biến, cách bảo quản không phù hợp làm tăng nguy cơ, chiếm 33% nguyên nhân gây ung thư.
“Hai yếu tố đó đã gần 70% nguy cơ rồi. Ngoài ra, yếu tố di truyền, đột biến gien chiếm khoảng 5%. Còn lại yếu tố khác như môi trường”, TS Quảng cho hay.
Trước thực tế các nhóm cộng đồng trên mạng xã hội chia sẻ về việc ăn uống loại trừ đạm để “bỏ đói” tế bào ung thư, Giám đốc Bệnh viện K lưu ý: Người bệnh ung thư cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh hợp lý, vì thức ăn không gây ung thư mà cách chúng ta chế biến, sử dụng không đúng có thể gây ung thư.
Theo GS-TS Lê Văn Quảng, trong điều trị, người bệnh ung thư còn phải truyền đạm để nâng cao thể trạng, nếu người bệnh không ăn đủ đạm thì ung thư sẽ tiêu hết cơ khiến người bệnh suy kiệt. Do đó, chế độ dinh dưỡng đúng góp phần trong dự phòng, đẩy lui ung thư.
CHẨN ĐOÁN SỚM
GS-TS Lê Văn Quảng cho hay hiện nay những tiến bộ trong sàng lọc giúp phát hiện sớm ung thư, từ đó điều trị hiệu quả hơn. Trong đó, ung thư đại trực tràng có thể nội soi hoặc xét nghiệm máu trong phân để tìm ra nhóm nguy cơ, sau đó nội soi dải tần hẹp để phát hiện những tổn thương. Với ung thư phổi, có thể sàng lọc bằng CT liều thấp để phát hiện khối bất thường. Ung thư vú phát hiện sớm bằng chụp vú, hoặc có thể chụp MRI để sàng lọc, nhưng phương pháp này có chi phí cao hơn nên chưa áp dụng rộng rãi.
“Một số bệnh có thể phát hiện bằng xét nghiệm đột biến gien. Nếu có đột biến gien, cần được theo dõi chặt chẽ, thậm chí làm một số biện pháp dự phòng để ngừa ung thư”, TS Quảng cho biết.
Giải chạy “Hành trình tiếp sức” gây quỹ hỗ trợ người bệnh ung thư có hoàn cảnh khó khăn được tổ chức sáng 8.12 tại Hà Nội, có sự tham gia của lãnh đạo Bệnh viện K, người bệnh ung thư và khoảng 1.500 vận động viên.
Tham gia giải, bà Vũ Hoàng Anh (56 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ bà phát hiện ung thư vú năm 2022. Sau phẫu thuật, bà tiếp tục điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ và kiên trì rèn luyện thể lực. Bà Anh cho biết hiện sức khỏe đã ổn định nhiều, dùng thuốc uống và theo dõi định kỳ tại Bệnh viện K. Theo bà, chăm tập luyện, đơn giản như chạy bộ mỗi ngày, cùng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và tuân thủ phác đồ điều trị, giúp bà rất nhiều trong quá trình chống lại bệnh tật.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nguoi-mac-ung-thu-chay-bo-the-nao-cho-phu-hop-185241208184907948.htm