Từ trước khi thuật ngữ EQ xuất hiện, IQ được cho là nhân tố quan trọng nhất để chi phối thành công hoặc thất bại của mỗi cá nhân. Những người sở hữu chỉ số IQ cao được mọi người cho rằng họ sẽ có thành tựu vượt trội so với người có IQ thấp. Song không phải tất cả những ai thông minh cũng có khả năng thành công như vậy.
Các nhà nghiên cứu bắt đầu nhận ra, chỉ dựa vào chỉ số IQ thì không đủ. Vào năm 1995, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về bộ não và hành vi Daniel Goleman đã chỉ ra rằng, chỉ số IQ chỉ chiếm 25% trong sự thành đạt, trong khi đó chỉ số cảm xúc EQ mới là nhân tố chiếm đến 75%. Trong đó, EQ ở đây chỉ khả năng thấu hiểu, nhận biết, đánh giá và kiểm soát cảm xúc của bản thân cũng như của người khác.
Trong một số thống kê khác với nhiều nhân tố hơn, thành công dựa trên 20% kỹ năng chuyên môn và 20% trí thông minh IQ, còn khoảng 60% còn lại phụ thuộc hết vào chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ.
Tức là, với những người EQ cao, họ có khả năng hiểu biết chính mình lẫn thấu hiểu cảm xúc, tư duy của những người xung quanh. Do đó, họ biết tự khống chế cảm xúc của bản thân, lại biết cách xây dựng quan hệ lành mạnh với người khác, dễ thích nghi trong mọi hoàn cảnh.
Dưới đây là 5 quy tắc đơn giản mà những người có EQ cao thường áp dụng:
1. Không có việc làm ổn định, chỉ có năng lực ổn định
Gần đây, trên trang hỏi đáp lớn nhất Trung Quốc Zhihu, một người dùng mạng đặt câu hỏi: “Tôi nhận được hai cơ hội việc làm, làm ở công ty nước ngoài sẽ nhận được lương gấp ba lần so với làm cho doanh nghiệp nhà nước, tôi nên chọn cơ hội nào?”.
Trong hàng trăm bình luận, số lớn khuyên người này nên vào doanh nghiệp nhà nước, bởi tính ổn định.
Cái gọi là “công việc ổn định” có hai ý nghĩa: Một là không sợ bị thất nghiệp, hai là có thể bảo đảm đầy đủ nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên làm một công việc ổn định không có nghĩa chỉ cần có được công việc đó là bạn sẽ kê cao gối ngủ, vô lo vô nghĩ. T
hế gian này không có công việc nào là tự nhiên ổn định, điều mà chúng ta thực sự cần là năng lực kiếm sống ổn định. Và đằng sau năng lực ổn định là học, học nữa, học mãi.
Muốn rèn luyện mình trở thành một người chuyên nghiệp, có năng lực ổn định, bạn phải luôn tự hỏi bản thân đã học được điều gì mới, đã mở mang hiểu biết chưa.
Điều thúc đẩy bạn thay đổi là sự tự tin, là năng lực không thể thay thế, và dũng khí bước ra khỏi vùng an toàn, trải nghiệm những điều mới lạ, tiếp nhận thử thách.
2. Thử thách bản thân với những dự án lớn
Ở trong môi trường văn phòng, chẳng thiếu gì những việc nhỏ không tên. Nếu thường xuyên chỉ làm những việc như vậy, sự nghiệp của bạn mãi mãi dậm chân tại chỗ vì chẳng bao giờ dám “bơi xa bờ”.
Bạn chấp nhận làm những việc nhỏ do thói quen hoặc vì không muốn chịu áp lực mới nhưng cả đời bạn sẽ chẳng dám bước ra khỏi vùng an toàn.
“Cái bẫy” này thậm chí sẽ trói chân bạn nếu bạn không học cách chủ động thách thức bản thân với những công việc lớn hơn và nỗ lực không ngừng trong những vai trò mới.
Việc bản thân phát triển mới khó thực hiện chứ làm mãi một công việc, chẳng phải ai cũng có thể làm được hay sao?
3. Ở nơi làm việc, “kỷ luật là sức mạnh”
Nhiều người cho rằng, nghe lời là biểu hiện của sự nịnh bợ cấp trên, nên ra sức dè bỉu, chế giễu. Tuy nhiên, nếu không nhờ kinh nghiệm của người đi trước, không chịu khó học hỏi và giao tiếp với tiền bối, bạn sẽ chẳng hoàn thành tốt công việc.
Bất kỳ ai ở vị trí lãnh đạo cũng phải trải qua khoảng thời gian học hỏi người đi trước. Để trở thành một người có năng lực, phải học hỏi từ tiền bối và tham khảo sự góp ý của họ.
Ở nơi làm việc, nhiều người không hiểu chân lý này. Họ có thể hợp tác tốt với đồng nghiệp nhưng luôn tỏ thái độ ghét sếp, nên kém hiệu quả trong công việc.
Tuy nhiên, nếu luôn ở trạng thái đối đầu như vậy, bạn sẽ không tập trung được vào công việc và hoàn thiện bản thân.
4. Phải chứng minh năng lực của bạn cho người khác biết
Người có EQ cao sẽ không chịu “ngồi yên chịu trận” mà vừa chăm chỉ làm việc vừa muốn chứng minh cho người khác biết kết quả làm việc của mình.
Quá trình bạn làm việc ra sao cũng không chứng minh được nhiều bằng kết quả làm việc mà sếp bạn nhìn thấy.
Vì vậy, thể hiện một cách tích cực về những gì mình làm tại văn phòng sẽ giúp mọi người có cái nhìn khác hơn về bạn cũng như là động lực thúc đẩy cá nhân bạn.
5. Không ngại mất thể diện
Chẳng ai muốn bị chỉ trích hoặc bị đồng nghiệp hay cấp trên khinh thường. Bởi vậy, nhiều người luôn giả vờ mình có năng lực nhưng thực chất lại không đủ khả năng để giải quyết công việc.
Nếu không chịu khó lắng nghe những lời nhận xét của mọi người để thay đổi và cố gắng, năng lực cũng như đường công danh của bạn cũng chẳng thể tiến xa.
Những người có EQ cao thường không quá quan tâm tới thể diện tại nơi làm việc. Bởi họ nhận thức được bản thân còn nhiều hạn chế, vẫn phải học hỏi thêm kiến thức và kinh nghiệm để phát triển.
Họ cũng hiểu rằng, cấp trên hay đối tác cũng chẳng quan tâm tới lòng tự trọng hay thể diện của họ mà chỉ quan tâm tới hiệu quả và thái độ trong công việc mà thôi.
Trong công sở, không chỉ cần có năng lực làm việc mà đôi khi cần có tài hùng biện, tầm nhìn, trí tuệ cảm xúc và chiến lược.
Với khả năng hùng biện tốt, bạn có thể diễn đạt những điều mình muốn nói dưới hình thức mà đối phương thích nghe mà vẫn có thể duy trì tình cảm của đôi bên, để người khác hiểu bạn và tăng khả năng đàm phán thành công.
Với tầm nhìn xa, bạn có thể tìm ra hướng đi của mọi thứ, tìm ra chìa khóa để bẻ khóa và nhận được kết quả gấp đôi với một nửa nỗ lực.
Khuôn mẫu và chiến lược sẽ cho phép bạn đi đúng đường và nhận được sự tin tưởng của người khác.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-eq-cao-co-5-quy-tac-lam-viec-khien-ho-luon-duoc-de-cao-trong-dung-172240925150121239.htm