Trong cuộc sống hiện đại, đồng tiền dường như luôn đồng hành với chúng ta ở mọi công việc, sự kiện… Thế nhưng khi phải đối mặt với những lời mượn tiền, đôi lúc chúng ta cũng có cảm giác khó xử. Vào hoàn cảnh đó, dù đồng ý cho vay hay không bạn cũng không tránh khỏi nhiều luồng suy nghĩ khác nhau.
Tuy nhiên, trên thực tế khi người khác vay tiền, không phải ai cũng biết cách cư xử đúng mực. Họ sẽ có những lời nói thiếu suy nghĩ, hành động thiếu cẩn trọng làm đối phương tổn thương. Trong khi đó, những người EQ cao sẽ có cách cư xử được lòng người.
Những người suy nghĩ nông cạn và sống ích kỷ thường sợ giúp đỡ người khác, kể cả khi họ gặp khó khăn. Dù thân thiết và gắn bó tới đâu, khi người khác mượn tiền kiểu người nông cạn cũng sẽ trốn tránh và tìm cách thoái thác. Họ cũng vô tình nói ra những lời “cay đắng” làm người kia tổn thương.
“Tôi không có tiền đâu nhé” chính là một câu nói như thế. Câu nói này giống như đang cố gắng thoái thác, không quan tâm tới hoàn cảnh của đối phương. Khi người EQ thấp nói ra câu này, người vay tiền rất dễ chạnh lòng. Họ sẽ nghĩ họ đang làm phiền bạn và bạn chỉ tìm cách trốn tránh lời nhờ vả này thôi.
“Sao không mượn người khác mà lại hỏi tôi” cũng là một câu gây tổn thương sâu sắc cho đối phương. Câu này thường được người EQ thấp nói và không có chút suy nghĩ nào. Khi 1 người muốn vay tiền bạn nghĩa là họ tin tưởng và coi bạn là người thân thiết. Nếu đáp trả thế này, chẳng phải bạn mang phiền não thêm cho người đó sao?
Dù bạn có khả năng giúp đỡ người ta hay không cũng nên trả lời 1 cách khéo léo tránh sứt mẻ tình cảm. Đó là điều nên làm trong mọi hoàn cảnh.
Tuy nhiên, những người EQ cao sẽ có cách đối đáp khôn khéo vừa thăm dò được ý đối phương lại không tự đẩy mình vào thế khó.
1. Bạn cần vay tiền để làm gì?
Khi ai đó mượn tiền, trước tiên bạn phải xác định lý do tại sao người kia muốn vay tiền. Đừng đánh giá thấp điều này. Bởi lẽ chúng không chỉ giúp bạn tìm hiểu khả năng lấy lại tiền, mà còn tránh những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Trong cuộc sống, dù có làm việc chăm chỉ hay không, bất kỳ ai cũng có thể gặp khó khăn về tài chính do nhiều yếu tố khác nhau. Dù do may mắn hay yếu tố môi trường, có những người vẫn vượt qua được giai đoạn khó khăn về tài chính và khó khăn cuộc sống.
Nhưng thước đo liệu một người có thể thoát khỏi rắc rối hay không chính là thái độ của anh ta khi đối mặt với chúng. Chỉ cần anh ta không bỏ chạy, khó khăn cuối cùng cũng sẽ qua đi và số tiền mà bạn cho họ vay sẽ trở lại vào một ngày không xa.
2. Bạn cần vay bao nhiêu tiền?
Câu hỏi này xác định mối quan hệ nợ nần giữa bạn và người đi vay. Trước khi quyết định cho người khác vay tiền, trước tiên bạn phải xác định xem việc cho người khác vay tiền có ảnh hưởng gì đến bạn hay không.
Trong thời đại mà đi đâu cũng thấy “con nợ” thì rất có thể bạn – người đã cho người khác vay tiền, vẫn đang gánh trên vai gánh nặng trả lãi ngân hàng để mua nhà, mua ô tô.
Việc cho người khác vay tiền phải được thực hiện sao cho không ảnh hưởng tới cuộc sống của chính mình.
Ngoài ra, trước khi cho người khác vay tiền, tốt nhất là trước tiên bạn nên tìm hiểu thu nhập của đối phương, từ đó xác định khả năng trả nợ của họ.
Ví dụ, nếu một người có mức lương hàng tháng là 3 triệu và hỏi vay bạn 10 triệu, rõ ràng anh ta sẽ gặp khó khăn vô cùng để trả lại bạn khoản tiền này.
Cần nhớ rằng luôn có những người cho rằng, nếu anh ta cho người khác vay tiền mà không lấy lại được thì đó không phải là điều xấu. Khi đó, anh ta sẽ tự an ủi chính mình, “tiêu tiền để hiểu lòng người” cũng là một cách làm sạch mối quan hệ xã hội của mình. Nhưng tình trạng này nên tránh càng nhiều càng tốt.
Việc cho bạn bè mượn tiền vì mục đích khẩn cấp thể hiện bạn là người tốt bụng và không phải là điều xấu.
3. Không ngại hỏi bao lâu trả tiền và có cam kết rõ ràng thời gian trả
Một lỗi sai nghiêm trọng khi cho vay tiền chính là việc mọi người ngại không hỏi bao giờ trả tiền. Đừng bao giờ thấy ngại khi hỏi “Bạn vay tiền trong bao lâu thì sẽ trả?”.
Vay tiền dễ, đòi tiền thì khó, chính vì vậy hãy mạnh dạn hỏi trước thời gian trả tiền. Thậm chí chính bạn có thể đặt kỳ hạn trước và hỏi rằng “6 tháng nữa tôi cần tiền hãy trả trước đó, nếu bạn không cam kết trả thì xin lỗi tôi không giúp được”.
Đừng ngại khi trao đổi vấn đề này, việc vay bao nhiêu, trả khi nào cần phải được làm rõ. Làm như vậy có thể sẽ khiến chúng ta bị mất lòng trước nhưng sẽ được lòng sau.
Vì vậy, đôi bên nhất định phải hỏi và làm rõ vấn đề khi nào trả tiền. Nên nhớ, vấn đề tiền bạc nhạy cảm cần phải xử lý khéo léo nhưng luôn phải sòng phẳng và công bằng.
Người Do Thái quan niệm rằng, nếu bạn cho một người bạn vay tiền, thì bạn sẽ phải trả lãi bằng việc đánh mất tình bạn đó. Vì vậy để tránh điều này, hãy có những cách ứng xử khéo léo và phù hợp nhất.
Nếu không muốn cho vay, bạn hãy tham khảo nghệ thuật từ chối cho vay tiền dưới đây:
1. Thể hiện sự đồng cảm và bày tỏ bản thân cũng đang cần chi tiêu một khoản tiền lớn
Tami Claytor giám đốc trung tâm tư vấn tài chính tại New York cho rằng. Nếu bị vay tiền mà không muốn cho vay, thay vì trực tiếp từ chối, hãy thể hiện sự đồng cảm và từ chối khéo léo.
Bạn có thể lấy một lý do bất kỳ và thể hiện bản thân cũng đang cần chi một khoản lớn không dư dả .
Thông thường, mọi người sẽ hiểu ý và sẽ không làm khó bạn. Song, vẫn có một vài trường hợp họ vẫn kiên quyết hỏi vay tiền cho bằng được.
Nếu vậy thì hãy từ chối một cách khéo léo rằng bản thân không cầm tiền.
2. Nói rằng bản thân không còn tiền lưu động
Bạn có thể từ chối bằng cách nói rằng bản thân vừa gửi tiền vào ngân hàng không thể rút trước hạn hoặc đã đem đi đầu tư dài kỳ.
Cách từ chối này giúp họ biết bạn không còn dư tiền một cách khéo léo mà không làm mất lòng đối phương. Hơn nữa thời gian gửi tiết kiệm thường khá dài, họ sẽ tự khắc hiểu vấn đề và rút lui.
3. Giúp họ tìm phương án giải quyết vấn đề
Trong trường hợp bản thân không thể cho vay, bạn có thể giúp họ tìm thêm công việc để tăng thu nhập.
Ngoài ra có thể chỉ thêm cho họ ngân hàng uy tín để vay vốn hoặc mở thẻ tín dụng nếu cần thiết.
Thay vì từ chối thẳng thừng, hãy từ chối một cách khéo léo và đưa ra những giải pháp khác giúp họ có thể khắc phục được phần nào hoàn cảnh khó khăn hiện tại.
Bên cạnh đó bạn cũng cần hiểu rằng, khi không cho vay vì bất cứ lý do gì bạn đều không cần cảm thấy áy náy vi vấn đề nằm ở phía người vay tiền chứ không phải ở bạn.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cach-nguoi-eq-cao-tra-loi-khi-muon-tu-choi-cho-nguoi-khac-vay-tien-172241015162401772.htm