Cuộc bỏ phiếu sẽ quyết định không chỉ ai là người lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên NATO với 85 triệu dân, mà còn cả cách thức quản lý đất nước, nền kinh tế, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và định hình chính sách đối ngoại trong tương lai.
Đây sẽ là cuộc đối đầu giữa Tổng thống đương nhiệm Tayyip Erdogan và đối thủ chính của ông, Kemal Kilicdaroglu – người đứng đầu một liên minh gồm 6 đảng đối lập.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Kilicdaroglu đang dẫn trước một chút. Tuy nhiên, nếu một trong hai ứng viên không giành được hơn 50% số phiếu bầu thì sẽ có một cuộc bầu cử chung cuộc vào ngày 28/5.
Cuộc bầu cử diễn ra 3 tháng sau trận động đất ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 50.000 người thiệt mạng. Nhiều người ở các tỉnh bị ảnh hưởng đã bày tỏ sự tức giận về phản ứng chậm chạp của chính phủ. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy vụ việc có thể ảnh hưởng tới quyết định của các cử tri.
Các cử tri cũng sẽ bầu ra một quốc hội mới, cuộc chạy đua sít sao giữa Liên minh Nhân dân bao gồm Đảng AK (AKP) của ông Erdogan, đảng MHP theo chủ nghĩa dân tộc và Liên minh Quốc gia của ông Kilicdaroglu.
Các phòng bỏ phiếu sẽ mở cửa lúc 8 giờ sáng và đóng cửa lúc 5 giờ chiều theo giờ địa phương. Theo luật bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ, việc công bố tiến trình kiểm phiếu bị cấm cho đến 9 giờ tối.
Các cử tri người Kurd, chiếm 15-20% tổng số cử tri, sẽ đóng một vai trò then chốt trong cuộc bỏ phiếu lần này. Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) thân người Kurd không thuộc liên minh đối lập, nhưng cũng phản đối các chính sách của ông Erdogan trong những năm qua.
Nếu người dân Thổ Nhĩ Kỳ không tiếp tục lựa chọn ông Erdogan thì lý do chính là họ thấy sự thịnh vượng, bình đẳng và khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân đang giảm sút, với lạm phát lên tới 85% vào tháng 10/2022 và sự sụp đổ của đồng lira.
Ông Kilicdaroglu, một cựu công chức 74 tuổi, đã hứa nếu thắng cử, ông sẽ quay lại với các chính sách kinh tế chính thống. Ông cũng hứa sẽ tìm cách đưa đất nước trở lại hệ thống quản lý nghị viện. Ông cũng hứa sẽ khôi phục sự độc lập của cơ quan tư pháp.
Hoàng Nam (theo Reuters)