Thường xuyên bị đau bụng và ê ẩm người, ông N.T.P. (45 tuổi, ở Lạng Sơn) được bạn bè, người thân mách uống cây rễ gió. Loại cây này được quảng cáo có tác dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt trị cảm.
Sau khi ngâm loại rễ cây này với rượu được 2 tuần, ông P. bắt đầu sử dụng. Ông cho biết rượu có vị rất đắng nhưng nghĩ rằng có thể cải thiện sức khỏe nên vẫn cố uống. Tuy nhiên, đến ngày thứ ba, ông bắt đầu xuất hiện tình trạng vô niệu (không thể đi tiểu) sau đó sốt cao và được đưa tới bệnh viện tỉnh thăm khám và được chuyển đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Nam bệnh nhân ổn định sau hơn 1 tháng điều trị
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy thận cấp, phải chạy thận gần 2 tuần. Đến nay, sau hơn 1 tháng điều trị, sức khỏe cải thiện hơn nhưng vẫn phải theo dõi các nguy cơ, diễn biến của bệnh. “Bệnh nhân này vẫn may mắn bởi nếu sử dụng nhiều và kéo dài hơn, chất độc trong rễ cây có thể khiến xơ thận, teo thận”- bác sĩ Nguyên nói.
Theo bác sĩ Nguyên, cây rễ gió (còn có tên khoa học Aristolochia contorta) là loại cây được quảng cáo dùng cả trong đông y và tây y. Ngoài cây rễ gió còn có một số cây cùng họ như cây mộc thông, cây nhạc ngựa, mộc phòng kỷ…
Các cây này đều có chứa chất độc acid aristolochic. Đây là loại chất độc cấp tính, gây tổn thương thận, suy thận, dùng nhiều còn có thể gây xơ thận, teo thận. Ngoài ra, chất này đã có bằng chứng rõ ràng về việc gây đột biến gen, gây ung thư trên người và động vật. Acid aristolochic được xếp các chất gây ung thư nhóm 1. Chất độc này có thể gây ung thư niệu quản, thận thực quản và một số vị trí khác…
Hiện các nước phát triển như Anh, Úc, Mỹ… đã cấm sử dụng cây rễ gió, các cây cùng họ cũng như bất kỳ sản phẩm nào chứa chất acid aristolochic. Thế nhưng tại Việt Nam, cây rễ gió vẫn được bán tràn lan và quảng cáo như “bài thuốc quý” phải có trong mỗi gia đình. Nhiều bài thuốc vẫn sử dụng cây rễ gió với mục đích trị cảm, giảm cân, dùng phòng và trị khi bị trúng gió, đau bụng ngộ độc…
“Chúng ta nên ngừng sử dụng cây này, kể cả trong các bài thuốc y học cổ truyền để tránh nguy cơ ngộ độc do chất acid aristolochic có trong cây rễ gió”- bác sĩ Nguyên đề xuất.