Ngày 28/8, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết đã tiếp nhận bệnh nhân là anh Trung Đức (ngụ tại Hà Nam) xuất hiện cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, đầy hơi khó tiêu sau khi bị ong đốt vào cổ và bụng.
Trước đó, đến khám tại một bệnh viện, anh Đức đc chẩn đoán bị suy thận mạn tính không thể hồi phục, khuyên có chế độ ăn uống phù hợp để điều trị bảo tồn. Băn khoăn với chẩn đoán của bác sĩ do trước đó khỏe mạnh bình thường, anh Đức thăm khám lại tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội vào cuối tháng 8/2023.
Tiến sĩ, Bác sĩ Mai Thị Hiền, Phó khoa Tiết niệu – Nam học và Thận học cho biết, người bệnh đến khám với các triệu chứng không điển hình, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác. Kết luận suy thận mạn trước đó là không chính xác do người bệnh không có bệnh nền dẫn tới suy thận mạn như tăng huyết áp, sỏi thận, bệnh cầu thận…
Bác sĩ khai thác kỹ tiền sử bệnh, tìm nguyên nhân suy thận bằng các xét nghiệm chức năng thận, điện giải đồ và các thăm dò chuyên sâu khác như CK, LDH, myoglobin niệu…
Tiến sĩ Hiền giải thích, khi bị ong vò vẽ đốt, các tế bào cơ bị tổn thương dẫn đến giải phóng hàng loạt các chất vào hệ tuần hoàn như kali, axit uric, myoglobin, axit lactic. Myoglobin gây tăng tính thấm thành mạch dẫn tới giảm thể tích tuần hoàn, đồng thời gây rối loạn bài tiết kali, muối và nước tại ống thận, gây tắc nghẽn ống thận dẫn tới suy thận cấp.
Kết luận anh Đức bị suy thận cấp do tiêu cơ vân, bác sĩ chỉ định anh nhập viện, truyền dịch, kiềm máu, hạ acid uric và các điều trị chuyên sâu khác, đồng thời được theo dõi tích cực về toàn trạng, nước tiểu và chức năng thận.
Đồng thời hướng dẫn người bệnh nghỉ ngơi, ăn uống phù hợp. Sau 2 ngày điều trị tích cực, sức khỏe anh Đức ổn định, không buồn nôn, ăn uống tốt, chức năng thận cải thiện.
Với trường hợp của bệnh nhân Đức, nếu không được can thiệp điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng suy thận cấp nặng lên và tử vong. Tiến sĩ Hiền dẫn nhiều nhiều thống kê cho thấy, tình trạng suy thận cấp nếu không điều trị đúng cách có thể trở thành suy thận mạn. Có khoảng 30% bệnh nhân suy thận cấp do tiêu cơ vân không điều trị dẫn tới suy thận mạn tính.
Tiến sĩ Hiền khuyến cáo, tình trạng ong vò vẽ đốt rất thường gặp, nhất là ở vùng nông thôn và miền núi. Người bệnh thường bỏ qua các triệu chứng ban đầu khiến bệnh không được phát hiện và điều trị, gây ảnh hưởng lớn đến chức năng thận và sức khỏe chung.
Khi bị ong đốt nếu có các triệu chứng như tiểu ít, đau mỏi, buồn nôn…, người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời. Với trường hợp những người từng bị ong đốt và suy thận cấp như anh Đức, cần thăm khám định kỳ để kiểm tra chức năng thận.
Thu Phương