Trao đổi với bác sĩ, BN cho hay vào buổi trưa cùng ngày có ăn cơm với một loại nấm màu đỏ mua ở chợ (ảnh). Sau ăn khoảng 4 giờ, BN đau bụng, đại tiện phân lỏng nhiều lần, mệt mỏi.
Tại BV, kết quả xét nghiệm cho thấy BN có rối loạn điện giải, suy thận cấp, có dấu hiệu tổn thương tế bào gan. BN được chẩn đoán theo dõi ngộ độc nấm, được điều trị truyền dịch tích cực, than hoạt đa liều, bù điện giải. Qua hình ảnh người bệnh cung cấp, các bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng người bệnh ăn phải nấm xốp russula có độc. Loại nấm này có hình dáng gần giống nấm chẹo đỏ, một loại nấm ăn được, vì vậy người dân rất dễ nhầm lẫn. Đây là ca bệnh thứ 2 nhập viện điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – chống độc trong thời gian qua, do bị ngộ độc nấm mua ở chợ.
Theo BV đa khoa tỉnh Lạng Sơn, Lạng Sơn là tỉnh miền núi, có nhiều loại nấm phát triển, rất khó phân biệt giữa các loại nấm. Trong khi đó, các loại nấm rừng là loại thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc. Người ăn phải nấm độc thường có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, choáng váng. Đối với các trường hợp nặng thường bị khó thở, nôn mửa, tiêu chảy, dần dẫn tới tình trạng suy thận, suy gan cấp, có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.
Để không xảy ra ngộ độc nấm, người dân cần phân biệt các loại nấm và cách nhận biết nấm độc, sử dụng nấm có nguồn gốc rõ ràng. Không nên sử dụng nếu không biết được chính xác loại gì hoặc không biết rõ nguồn gốc nấm. Khi ăn phải nấm độc và thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.