Tuổi tác và di truyền là hai yếu tố nguy cơ đáng kể dẫn đến bệnh tiểu đường. Trẻ em thường mắc tiểu đường loại 1 và những trường hợp này thì di truyền đóng vai trò lớn gây ra bệnh. Trong khi đó, tiểu đường loại 2 thường xuất hiện ở người trưởng thành và thường liên quan đến các yếu tố lối sống, theo trang thông tin sức khỏe Everyday Health (Mỹ).
Một trong những quan niệm sai lầm phổ biến về tiểu đường là những người có nguy cơ cao là không thể tránh khỏi mắc bệnh, chẳng hạn như người có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc thừa cân. Điều này là hoàn toàn sai lầm.
Mặc dù yếu tố di truyền, tuổi tác là không thể thay đổi nhưng chúng ta có thể thay đổi các yếu tố gây bệnh khác như chế độ ăn kém lành mạnh hay lối sống ít vận động. Những nỗ lực thay đổi lối sống sẽ giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát của tiểu đường.
Lối sống ít vận động là một yếu tố nguy cơ đáng kể dẫn đến bệnh tiểu đường. Hoạt động thể chất giúp kiểm soát lượng đường trong máu, cân nặng và huyết áp.
Thói quen ăn uống không lành mạnh cũng là một yếu tố đáng kể dẫn đến phát triển bệnh tiểu đường. Một chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến, chất béo có hại và nhiều đường khiến chúng ta dễ mắc bệnh. Ngược lại, chế độ ăn giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc có thể giúp ngăn ngừa bệnh.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thay đổi lối sống bằng cách tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống lành mạnh và giảm cân có thể làm giảm đến 58% nguy cơ tiểu đường.
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với những người có nguy cơ cao. Khám sàng lọc giúp họ có thể giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán. Nếu đang mắc bệnh tiểu đường mà không có biện pháp can thiệp kịp thời thì sẽ làm tăng rủi ro bị đau tim, đột quỵ, suy thận và nhiều biến chứng khác của bệnh tiểu đường, theo Everyday Health.