Như Tuổi Trẻ Online thông tin, mới đây Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc điều trị bệnh mạn tính đã ổn định (đái tháo đường, tăng huyết áp…) lên tối thiểu 60 ngày và tối đa 90 ngày, thay vì 30 ngày như hiện nay.
Đỡ đi lại, bớt chờ đợi
Rất ủng hộ đề xuất, nhiều bạn đọc nói việc này “lợi cả nhiều đường” và mong sớm được triển khai.
Độc giả Ngô Thị Thúy Hằng cho biết: “Bố tôi 88 tuổi, bị tiểu đường, huyết áp cao mà tháng nào đi bệnh viện khám lấy thuốc cũng bắt nhịn ăn sáng để làm xét nghiệm. Có lần bố tôi bị tụt đường huyết vì nhịn ăn chờ làm xét nghiệm từ 6h-9h sáng”.
Theo bạn đọc Lê Công Dân, “quy định hiện nay, chẳng những 28 ngày phải đi lấy thuốc một lần mà 28 ngày phải làm xét nghiệm tổng quát một lần nữa, rất tốn kém và mất thời gian nhưng thuốc điều trị cũng không thay đổi”.
Vì thế, chị Ngô Thị Thúy Hằng đề xuất trên của Bảo hiểm xã hội rất khoa học và phù hợp với thực tế, nhất là với người cao tuổi. Đề xuất này giải quyết được rất nhiều vấn đề: giảm tải cho bệnh viện; giảm chi phí đi lại cho người bệnh; giảm chi phí cho bảo hiểm phải thanh toán các xét nghiệm.
Đồng tình, tại khoản Trang A Pao viết: “Tạo thuận lợi và giảm chi phí, thời gian cho người bệnh, giảm tải cho bệnh viện, giảm chi phí cho bảo hiểm y tế. Chẳng có lý do gì để chần chừ thực hiện”.
“Nếu được như vậy thì tốt cho bệnh nhân, nhất là những người già cô đơn và giảm chi phí cho bảo hiểm y tế rất nhiều. Các bác sĩ cũng bớt áp lực. Tuy thu nhập của bệnh viện có thể giảm chút, nhưng lợi cho dân, cho nước”, bạn đọc Lê Khắc bày tỏ.
Đừng bỏ quên người bệnh nghèo
Bên cạnh đó, một số bạn đọc đưa ra những góp ý để đề xuất này sớm được thực hiện sau khi cân nhắc thêm một số tình huống cụ thể.
Độc giả Thuấn Nhã phân tích: “Ý hướng chung là muốn tạo thuận lợi cho người bệnh. Đây là điều đang quý. Tuy nhiên, cũng nên quan tâm tới trường hợp những bệnh nhân quá nghèo.
Tôi biết có những trường hợp bệnh nhân nghèo, bác sĩ cấp thuốc bảo hiểm y tế cho bốn tuần, nhưng họ nài nỉ xin bác sĩ cấp ba tuần thôi. Vì ở hạn mức ba tuần, họ không phải trả tiền, nhưng nếu nhích lên bốn tuần thì họ không đủ tiền để trả.
Lần đó tôi nhớ có một ông cụ chạy đôn đáo trong bệnh viện, cố gắng làm sao xin đủ 54.000 đồng để chi trả thêm tiền thuốc bảo hiểm y tế. Quanh ta còn nhiều người nghèo lắm, xin đừng quên họ!”.
Theo tài khoản nguyenhungpham, “những người mới phát hiện bệnh hằng tháng phải khám, còn những người đã ổn định nên hai tháng đến lấy thuốc một lần. Bệnh nhân nào cảm thấy sức khỏe không bình thường thì yêu cầu khám lại, để bác sĩ thay đổi thuốc, hoặc có phương thức điều trị mới”.
“Cần cân nhắc kỹ và linh hoạt với từng loại bệnh và từng bệnh nhân. Bệnh nhân không được thăm khám trong thời gian dài như vậy tới khi khám lại không kịp chỉnh liều hay thay đổi loại thuốc, có khi bệnh đã nặng lên và biến chứng”, bạn đọc Minh Vũ nêu ý kiến.
Phản hồi lại, bạn đọc Minh Trần nói rõ hơn: “Quy định cho tối đa 3 tháng chứ đâu bắt buộc phải 3 tháng. Tùy theo nhu cầu của từng bệnh nhân mà cho thuốc. Ai thấy bệnh nhẹ thì xin 3 tháng, ai nặng hơn xin thì 1 tháng. Đâu có bắt buộc 3 tháng mới được tái khám”.
“Ở một số nước, đối với những người bệnh mạn tính có bảo hiểm y tế sau khi được bác sĩ gia đình khám và cho đi xét nghiệm thì được kê đơn thuốc uống hằng tháng. Người bệnh chỉ cần đến nhà thuốc gần nhất để lãnh thuốc về uống.
Việc cấp phát thuốc sẽ được duy trì trong vòng một năm và sau đó người bệnh phải đi khám và xét nghiệm lại để được tiếp tục cấp thuốc”, tài khoản Sáu Thời Sự cho biết thêm.