Chiều ngày 29/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.
Một vấn đề mà báo chí quan tâm đó là ở đề thi môn Ngữ văn khi cách hỏi ở phần nghị luận xã hội giống đề thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội. Trong khi đó, ngữ liệu ở phần thi nghị luận văn học lại giống với đề thi thử của tỉnh Nghệ An.
Trước những thắc liên quan đến đề thi, thay mặt tổ ra đề, Giáo sư Phạm Hồng Hà đã cho rằng đề thi cơ bản giữ ổn định cấu trúc, đề thi nằm trong chương trình lớp 12, không ra phần giảm tải, phần vượt quá chương trình, đề thi có tính phân hóa tốt.
Theo Giáo sư Phạm Hồng Hà, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có sử dụng phần mềm có đối sánh trong việc ra đề thi. Quy trình được áp dụng 15 môn.
Đối với môn Ngữ văn, giáo sư Phạm Hồng Hà khẳng định có trùng ngữ liệu với đề thi ở Nghệ An. Tuy nhiên, ngữ liệu trùng nhưng câu hỏi khác.
“Trong chương trình văn học lớp 12 có 17 tác phẩm văn học, trong đó 15 tác phẩm sử dụng. Bắt buộc không thể ra khác ngoài ngữ liệu 15 tác phẩm. Nếu mỗi tỉnh thành có thi thử thì việc đề thi chính thức trùng ngữ liệu là đề dễ hiểu. Câu lệnh tức câu hỏi đã khác” – Giáo sư Phạm Hồng Hà nhận định.
Đối với đề thi Hà Nội, Giáo sư Phạm Hồng Hà cho rằng, phần ngữ liệu phần đọc hiểu là khác nhau, lệnh hỏi cũng khác nhau. Một bên hỏi “cân bằng cảm xúc” – còn đề thi lớp 10 là làm chủ cảm xúc.
Cũng liên quan đến ý kiến ra đề hiện nay xảy ra hiện tượng văn mẫu, không kích thích tính sáng tạo của học sinh. Thầy Hà cho rằng, phần đọc hiểu và phần làm văn.
Phần đọc hiểu được phép sử dụng các phần ngữ liệu không bắt buộc trong sách giáo khoa. Trong phần đọc hiểu, tổ ra đề luôn muốn hướng đến nội dung thời sự, vấn đề có tính giáo dục.
Trong khi, phần làm văn, năm 2023 sang năm 2024 chúng ta kết thúc chương trình 2006.
Đối với chương trình 2018 sẽ có độ mở cao hơn. Không có ràng buộc về ngữ liệu văn học trong đề văn phải có trong sách giáo khoa. Ở thời điểm hiện tại, do quy định chương trình 2006 nên chưa thể thực hiện.
Trao đổi thêm về đề thi, thầy Hà còn cho biết, trong quá trình làm thi từ đầu tháng 6 trong khi kỳ thi Hà Nội diễn ra sau đó. Chính vì thế người ra đề không được biết về đề thi Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội.
Trong khi đó, đề thi thử của Nghệ An ban ra đề thi cũng không có dữ liệu để đối sánh, chính vì thế cũng không thể phát hiện.
“Nhìn chung, câu hỏi đã đảm bảo độ phân hóa và không trùng lặp với các đề thi trước đó. Đây là điều rất quan trọng” – Giáo sư Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.