Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) là đơn vị tham mưu, triển khai quyết liệt, thực chất, hiệu quả “Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ ban hành, phát huy vai trò danh hiệu, di sản vì phát triển bền vững.
Lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Saint Petersburg của Nga ngày 30.6.2023. Ảnh: TTXVN
“Hiện tượng Việt Nam” tại UNESCO
Với tinh thần “Ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, được triển khai đồng bộ trên các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”, thời gian qua Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO đã lồng ghép hiệu quả, thực chất việc bảo tồn và phát huy các di sản, danh hiệu quốc tế đã được công nhận vào các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, du lịch, hợp tác, đầu tư… của các địa phương. Lần đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam vào tháng 7.2023 tại Ninh Bình.
Vụ đã chủ động, đổi mới trong khiển khai Đề án do Ban Bí thư phê duyệt về tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài, góp phần tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, lý tưởng cao đẹp của người Việt Nam. Năm 2023, Vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, xây dựng và khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Saint Petersburg, Nga; đổi tên công viên Hòa Bình thành Công viên Hồ Chí Minh tại thủ đô Habana, Cuba…
Bên cạnh đó, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO đã góp phần không nhỏ trong việc tăng cường quan hệ song phương, xây dựng lòng tin thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa cấp cao, sáng tạo, đổi mới Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Công tác ngoại giao văn hóa cấp cao trong thời gian qua, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây đã tạo những dấu ấn quan trọng, góp phần vào tăng cường tin cậy chính trị với các đối tác, phát triển sức mạnh mềm và nâng cao thương hiệu quốc gia. Tiêu biểu như hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thưởng thức trà, đàm đạo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng thư pháp “Chân thành, Tình cảm, Tin cậy” cho Thủ tướng Nhật Bản…
Một trong những dấu ấn nổi bật của Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO là vận động các hồ sơ đề cử và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường thương hiệu địa phương, quốc gia và thúc đẩy du lịch. Riêng đối với các danh hiệu UNESCO, Chiến lược Ngoại giao văn hóa đặt mục tiêu đến năm 2030 có trên 60 di sản, danh hiệu UNESCO, thì đến nay đã vượt chỉ tiêu với số lượng 67.
Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO đã chủ động, tích cực thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam và UNESCO ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện, thực chất. Lần đầu tiên trong 48 năm gia nhập UNESCO, Việt Nam cùng lúc tham gia và phát huy tốt vai trò thành viên tại 5/7 cơ chế điều hành then chốt nhất của UNESCO. Năm 2023, Vụ đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai đề án vận động vào Ủy ban Di sản Thế giới 2023-2027. Kết quả là Việt Nam trúng cử với số phiếu cao (121/170), đứng đầu về số phiếu trong số các nước ứng cử thuộc nhóm châu Á – Thái Bình Dương, tạo thành “hiện tượng Việt Nam” tại UNESCO.
Vũ khí công tâm, sắc bén
Thành công của công tác ngoại giao văn hóa trong 2 năm qua có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt.
Trước hết, những kết quả và thành tích đạt được tiếp tục khẳng định sự đúng đắn về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, khẳng định “Văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Ngoại giao văn hóa, cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế là ba trụ cột quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. Ngoại giao văn hóa thực sự là vũ khí tâm công sắc bén, góp phần thể hiện bản sắc “Ngoại giao Cây tre Việt Nam”, đóng góp vào thành tích của đối ngoại đất nước năm qua – một điểm sáng đầy ấn tượng trong thành tựu chung của đất nước.
Thứ hai, ngoại giao văn hóa đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế – xã hội bền vững tại các địa phương. Các festival, lễ hội văn hóa lấy danh hiệu UNESCO làm nền tảng, đã hỗ trợ địa phương chuyển đổi nhanh, hiệu quả mô hình phát triển kinh tế lấy người dân và cộng đồng làm vai trò trung tâm, dựa trên phát triển du lịch và phát huy giá trị di sản. Thứ ba, công tác ngoại giao văn hóa thành công trong việc truyền tải hình ảnh về một đất nước Việt Nam tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, yêu chuộng hòa bình tới bạn bè quốc tế, góp phần quan trọng vào thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường tình hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, tăng cường sức mạnh mềm và đảm bảo an ninh quốc gia.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/thoi-su/ngon-co-dau-trong-chien-luoc-ngoai-giao-van-hoa-cua-viet-nam-1339124.ldo