Tỉnh Thái Bình có điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng thế mạnh có nhiều dòng sông chảy qua; những năm qua, nhiều hộ dân ở các địa phương đã phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, trở thành hướng đi hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản.
Xã Quang Trung (Hưng Hà) giáp sông Luộc rất phù hợp phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi cá lồng trên sông. Đến nay xã đã phát triển được 100 lồng cá. Men theo triền đê, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lồng của ông Nguyễn Văn Đình; cảm nhận đầu tiên là diện tích nuôi cá được đầu tư quy mô lớn, hệ thống lồng cá được chằng néo chắc chắn, quy hoạch gọn, bảo đảm an toàn lưu thông đường thủy. Bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2014, với 15 lồng cá, đến nay ông Đình đã phát triển được 30 lồng cá.
Ông Đình cho biết: Nuôi cá lồng rất phù hợp với các đối tượng thủy sản như cá lăng, chép giòn, trắm giòn, cá chép vàng. Mỗi lồng nuôi cá trên sông có kích cỡ khác nhau, chiếc nhỏ nhất có thể tích 54m3, lớn nhất là 72m3. Trong ao 1 sào thu được khoảng 7 tạ đến 1 tấn cá, như mô hình này lợi nhuận có thể gấp 5 lần trong ao. Năm 2024, lợi nhuận mỗi lồng cá của tôi đạt 20 triệu đồng.
Cùng xã Quang Trung, ông Nguyễn Đại Dương chia sẻ, cá nuôi trên sông bao giờ thịt cũng ngon hơn, không có vị tanh như cá nuôi trong ao, hồ bởi nguồn nước luôn được luân chuyển. Nuôi cá lồng thường có sản phẩm bán quanh năm nhưng dịp tết Nguyên đán được xem là mùa thu hoạch chính.
Để nuôi cá lồng trên sông đạt hiệu quả cao, chúng tôi phải nghiên cứu kỹ vị trí đặt lồng, chọn cá giống, quản lý, chăm sóc. Quá trình nuôi, mỗi tuần vệ sinh lồng một lần, loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng bám vào cụm lồng nuôi, vớt bỏ thức ăn thừa trong lồng bè.
Bên cạnh đó, cần áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh cho cá, sử dụng máy đo mật độ dưới nước để kiểm tra, chăm sóc cá theo đúng quy trình. Hiện nay tôi đã phát triển được 30 lồng nuôi cá lăng, chép giòn. Trong dịp tết Nguyên đán tôi đã bán 30 tấn cá thương phẩm. Tổng thu trong năm 2024 từ nuôi cá lồng đạt trên 4 tỷ đồng.
Anh Phạm Xuân Thủy, xã Vũ Đoài (Vũ Thư, Thái Bình) đầu tư 40 lồng nuôi cá trên sông Hồng.
Tận dụng lợi thế có sông Hồng chảy qua địa bàn, anh Phạm Xuân Thủy, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) đã đầu tư 40 lồng nuôi cá. Anh cho biết: Sau tết Nguyên đán, tôi đã thả 20 vạn cá giống. Mỗi lồng nuôi cá đến khi xuất bán được 5 tấn với giá hơn 80.000 đồng/kg. Điều quan trọng của việc nuôi cá lồng trên sông là phải nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ dịch bệnh cho cá, áp dụng tốt biện pháp phòng, chống thiên tai.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 725 lồng nuôi cá trên sông với tổng thể tích hơn 78.644m3 của 53 hộ nuôi. Phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông mạnh nhất là huyện Hưng Hà với 275 lồng, huyện Quỳnh Phụ 213 lồng, huyện Vũ Thư 121 lồng...
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thái Bình cho biết: Để khuyến khích các hộ dân phát triển nuôi cá lồng, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các huyện chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân nuôi cá lồng theo quy hoạch và có cơ chế phù hợp động viên, khuyến khích người dân mở rộng nuôi cá lồng.
Tăng cường tập huấn cho hộ nuôi quy trình nuôi cá lồng trên sông theo hướng VietGAP. Nhân rộng các mô hình khuyến nông về thủy sản với những giống thủy sản có chất lượng cao. Cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp giám sát, hướng dẫn về kỹ thuật nuôi; phương pháp phòng bệnh, trị bệnh cho thủy sản; theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của thủy sản để đánh giá hiệu quả theo từng năm.
Đẩy mạnh nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, đặc sản như cá lăng, chép giòn, trắm đen. Khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người nuôi hoặc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác tạo điều kiện về nguồn lực đầu tư nhằm phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng tập trung, tăng giá trị sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-xa-cua-tinh-thai-binh-nong-dan-co-100-cai-long-nuoi-du-cac-loai-ca-ngon-co-nguoi-thu-4-ty-nam-20250221095638511.htm
Bình luận (0)