Một trong những điểm mới trong dự thảo Luật Nhà giáo (lần 3) vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố để lấy ý kiến là việc đưa quy định về phụ cấp thâm niên nhà giáo vào trong luật.
Tại dự thảo Luật Nhà giáo (lần 2, được công bố vào tháng 5), Bộ GDĐT đề xuất tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, nhà giáo được hưởng lương và phụ cấp, các chế độ khác (nếu có).
Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo này quy định khá chung chung chưa làm rõ chi tiết mức lương và phụ cấp nhà giáo.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, tại dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất (lần 3) đã quy định rõ hơn về chế độ cho nhà giáo.
Theo đó, ngoài hưởng lương cao nhất, nhà giáo còn được hưởng phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác (nếu có). Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo
Ngoài ra, trong dự thảo lần 3, tại Điều 44, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất nhà giáo được hưởng các chính sách hỗ trợ như: Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy trẻ khuyết tật, nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật.
Chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm: Nhà ở, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.
Chính phủ sẽ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ nhà giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến khích địa phương, cơ sở giáo dục có các chính sách đặc thù hỗ trợ nhà giáo.
Nếu dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất được luật hóa, nhà giáo sẽ được trả lương theo vị trí việc làm và vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên, cùng các chế độ hỗ trợ về nhà ở, đào tạo, bồi dưỡng trong một số trường hợp…
Tuy nhiên, việc chi trả lương làm sao để phù hợp đối với nhà giáo làm việc hiệu quả và làm việc chưa hiệu quả, giảm chênh lệch về mức lương giữa giáo viên trẻ và giáo viên lâu năm… cũng cần được nghiên cứu kỹ để khuyến khích nhà giáo có thêm động lực phấn đấu, làm việc hết trách nhiệm, xứng đáng với những đãi ngộ mình nhận được.
Hiện các nhà trường, nhà giáo, chuyên gia đang tiếp tục góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo trước khi trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10 tới.
Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/ngoai-giu-phu-cap-tham-nien-de-xuat-nhieu-chinh-sach-ho-tro-giao-vien-1394713.ldo