Đi trên những lằn ranh
Ngoại giao của Qatar trong cuộc chiến tại Dải Gaza, bao gồm cả việc hỗ trợ dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và thả con tin có hiệu lực vào ngày 24/11, củng cố quốc gia Hồi giáo siêu giàu này trở thành người đối thoại ưa thích của Washington với các nhóm cực đoan và các quốc gia cùng chung cực ở Trung Đông, và thậm chí trên toàn thế giới.
Đó là một nỗ lực xuất sắc của Qatar, bắt đầu hình thành khoảng 30 năm trước, khi chế độ quân chủ nhỏ bé ở vùng Vịnh này tìm cách bảo vệ chính mình giữa các nước láng giềng lớn hơn bằng cách sắm vai trò “môi giới” giải quyết các tranh chấp trong khu vực đồng thời giành được sự tin tưởng của Mỹ và phương Tây. Giờ đây, Qatar cũng đang là nơi đặt căn cứ quân sự lớn của Mỹ trong hai thập kỷ qua và là khách hàng “lớn” thường xuyên chi hàng tỷ USD mua vũ khí từ Mỹ và châu Âu. Cách tiếp cận này tất nhiên cũng ẩn chứa nhiều mạo hiểm, vì việc Qatar sẵn sàng đàm phán với các nhóm cực đoan nhận.
Bảy tuần hòa giải siêng năng vừa qua, được Qatar tiến hành vài giờ sau cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas nhằm vào Israel vào ngày 7 tháng 10, một lần nữa đã làm bộc lộ những căng thẳng đó. Chẳng hạn như một số nhà lập pháp và cựu quan chức cấp cao của Mỹ đã chỉ trích Qatar là nước ủng hộ chủ chốt của Hamas, ngay cả khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thúc ép Qatar giúp đảm bảo việc thả hàng trăm thường dân và binh lính bị bắt cóc.
Qatar đã mở một kênh với các nhà lãnh đạo Hamas hơn một thập kỷ trước, một bước đi mà các quan chức Qatar tiết lộ với báo Wall Street Journal là theo yêu cầu của Mỹ. Qatar sau đó đã cho phép nhóm chiến binh Palestine này mở văn phòng tại Doha và viện trợ hàng trăm triệu USD cho Dải Gaza. Nhiều người ở Israel nghi ngờ mối quan hệ của Qatar với Hamas và lo ngại điều này có thể cản trở nỗ lực tiêu diệt Hamas.
Đường lối kiên định
Nhưng các quan chức Qatar cho biết họ đã quen với việc bị nghi ngờ về động cơ và lòng trung thực trong nhiều năm qua. Vì thế, họ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ quan điểm của mình.
Majed Al Ansari, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và cố vấn cấp cao của Thủ tướng Qatar, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Giới lãnh đạo chính trị của Qatar sẵn sàng chấp nhận rủi ro” trong việc duy trì liên lạc với các bên bị phương Tây xa lánh. Ông Al Ansari nói thêm: “Bạn chỉ có thể đạt được lợi nhuận cao thông qua việc chấp nhận rủi ro cao, và đó là cách chúng tôi làm những điều này”.
Chiến lược của Qatar khiến quốc gia Vùng Vịnh này gặp rủi ro đặc biệt cao khi các nước láng giềng Ả Rập cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế vào năm 2017, và thậm chí từng có những cân nhắc tiến hành một cuộc chiến trên bộ đối với Qatar.
Ả Rập Xê Út, Ai Cập và các nước khác ngày càng thất vọng với chính sách đối ngoại độc lập của Qatar, gồm ủng hộ các chi nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo và các phong trào cách mạng trong cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập lật đổ các nhà độc tài lâu năm trên khắp khu vực.
Rạn nứt ngoại giao và tẩy chay kinh tế kết thúc sau ba năm mà không đạt được bất kỳ nhượng bộ có ý nghĩa nào. Rung động nhưng đầy thách thức, Qatar thay vào đó đã tăng gấp đôi nỗ lực hòa giải một số cuộc xung đột gai góc nhất thế giới và tự nhận mình là “trọng tài trung lập”.
“Người Qatar sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để trở thành đối tác không thể thiếu với Mỹ. Đó là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Qatar”, Patrick Theros, cựu Đại sứ Mỹ tại Qatar, cho biết. “Điều đó cũng có nghĩa là đôi khi họ phải giữ khoảng cách rõ ràng với Mỹ, vì khi đó họ có thể nói chuyện với người kia.”
Vào cuối cuộc chiến kéo dài 20 năm của Mỹ ở Afghanistan, chính Qatar đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban. Phiến quân Hồi giáo đã mở văn phòng ở Doha vào năm 2013 theo yêu cầu của Mỹ nhằm tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của cơ quan tình báo Pakistan đối với họ.
Khi chính phủ Kabul do phương Tây hậu thuẫn sụp đổ vào tháng 8 năm 2021, Qatar đã giúp sơ tán hàng chục nghìn người khỏi đất nước, bao gồm cả công dân Mỹ và người Afghanistan từng làm việc với quân đội Mỹ. Họ vẫn là sứ giả chủ chốt của Taliban, một tổ chức mà Mỹ xem là khủng bố.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm ngoái, Qatar đã duy trì các kênh với Điện Kremlin. Cùng thời gian đó, nước này đã tổ chức các cuộc đàm phán của Mỹ với Venezuela về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy những thay đổi chính trị.
Vài tuần trước khi chiến tranh tại Dải Gaza nổ ra, 5 người Mỹ được giải thoát khỏi nhà tù ở Iran đã hạ cánh xuống Doha trên đường trở về Mỹ như một phần của thỏa thuận do Qatar làm trung gian nhằm giải tỏa 6 tỷ USD tiền thu được từ dầu mỏ của Iran và nhằm mục đích khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân. Sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào tháng trước, Mỹ và Qatar đã đồng ý ngăn Iran tiếp cận nguồn tiền này trong bối cảnh lo ngại về nguồn tài trợ lâu dài của Tehran cho Hamas.
David Roberts, tác giả cuốn sách về chính sách an ninh và phát triển của Qatar ở Vùng Vịnh, cho biết: “Qatar đang tự biến mình thành một Thụy Sĩ gai góc”, đồng thời chỉ ra nỗ lực của Doha nhằm giữ thái độ trung lập trong khi tự trang bị vũ khí mạnh mẽ để chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài.
Lợi thế của nước nhỏ
Với dân số bản địa khoảng 300.000 người, Qatar không phải lúc nào cũng là lựa chọn hiển nhiên cho vai trò hòa giải quốc tế. Vào đầu những năm 1990, đất nước từng là thuộc địa nghèo khổ của Anh còn đang phải vật lộn để duy trì quyền tự chủ của mình dưới cái bóng của Ả Rập Xê Út và Iran, đã từ chối gia nhập liên minh của các tiểu vương quốc ven biển khác.
Sau khi Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani, cha của quốc vương hiện tại, lên nắm quyền, Qatar bắt đầu khai thác quyền kiểm soát phần lớn mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Họ chuyển sự giàu có thu được vào việc xây dựng một căn cứ quân sự cho quân đội Mỹ đã bị đẩy ra khỏi nước láng giềng Ả Rập Xê Út và thành lập Al Jazeera, một đài truyền hình toàn Ả Rập đưa tin nghiêm túc về khu vực.
Al Jazeera đã giúp tạo ra hình ảnh khác biệt của Qatar và trở thành công cụ mở rộng ảnh hưởng rất hiệu quả của quốc gia này. Quy mô nhỏ và hồ sơ quốc gia khiêm tốn của Qatar đã tạo nên uy tín cho Qatar như một nhà môi giới trung thực. Sự giàu có của nước này đã giúp bôi trơn nền ngoại giao, tài trợ cho các chương trình phát triển ở nhiều quốc gia nơi họ tiến hành giải quyết xung đột, và lượng dân số bản địa nhỏ bé giúp chính phủ Qatar có quyền tự do tương đối trong chính sách đối ngoại mà không phải lo lắng nhiều về phản ứng trong nước.
Trong nhiều năm, Sheikh Hamad bin Jassim Al Thani, người từng giữ chức Ngoại trưởng và sau này là Thủ tướng Qatar, đã bay khắp Trung Đông để cố gắng hòa giải các tranh chấp. Thành công đến vào năm 2008, khi ông giúp môi giới một thỏa thuận giữa các phe phái ở Lebanon nhằm tránh bùng nổ một cuộc nội chiến khác ở đó.
Vài năm sau, Qatar đồng ý tiếp đón ban lãnh đạo lưu vong của Hamas sau khi tổ chức này đóng cửa văn phòng ở Damascus, Syria, sau khi cuộc nội chiến ở Syria bùng nổ. Trong nhiều năm, người Qatar đã tài trợ cho việc cung cấp điện ở Gaza do Hamas kiểm soát và hỗ trợ 100.000 gia đình nghèo nhất ở đó. Vài ngày trước vụ tấn công ngày 7 tháng 10, họ đã đàm phán về việc tăng giấy phép lao động của Israel cho cư dân Gaza.
Al Ansari, Cố vấn của thủ tướng Qatar, cho biết: “Tại sao chúng tôi có thể hòa giải rất mạnh mẽ và có các kênh liên lạc cởi mở giữa Hamas và Israel? Đó là nhờ sự tin tưởng mà chúng tôi có được từ cả hai phía”.