Ngày 7/7, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị trao đổi, hợp tác với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Tại hội nghị, ông Trương Minh Huy Vũ – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, hiện nay có 3 điểm nghẽn của Vùng Đông Nam Bộ là quy hoạch, hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực. Để giải quyết 3 điểm nghẽn này thì mấu chốt là vấn đề thể chế.
Ông Vũ phân tích, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến 2030, tầm nhìn đến 2045 đã chỉ ra một số thể chế quan trọng như hội đồng vùng, quy hoạch vùng, các dự án trọng điểm vùng và cơ chế liên kết vùng liên quan đến quỹ đầu tư về hạ tầng.
Để đảm bảo nguồn vốn cho các dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng; tài trợ cho các hoạt động quản lý, quản trị, nghiên cứu và nâng cao năng lực quản lý thì việc thành lập quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng là hết sức cần thiết.
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, quỹ này được hình thành từ vốn ngân sách Nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương và các địa phương), nguồn xã hội hóa và các nguồn khác, được dùng chung cho toàn vùng với cơ chế mở, sẽ thúc đẩy quá trình phát triển và liên kết các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là đối với vấn đề hạ tầng, giao thông, một yếu tố đang kìm hãm sự phát triển và khai thác hết tiềm năng của vùng.
Ông Vũ cho biết, qua phân tích hiện nay có thể có 2 lựa chọn thành lập quỹ. Thứ nhất, TP.HCM và các tỉnh trong vùng có thể thành lập quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng.
Tuy nhiên, khuôn khổ quy định không cho phép địa phương huy động, phân bổ và chia sẻ nguồn lực để thực hiện các hoạt động có tính chất vùng. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế chính sách phát triển TP.HCM thì chỉ có duy nhất thành phố có cơ chế sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư vào các dự án vùng.
Thứ hai là phương án có thể do Thủ tướng Chính phủ thành lập, trực thuộc hoặc gắn kết với Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ đang trong quá trình thành lập.
Ông Trương Minh Huy Vũ cho rằng, có thể chọn phương án Chính phủ thành lập quỹ và gắn với Hội đồng điều phối vùng để huy động nguồn lực; đảm bảo được tính liên kết, phối hợp giữa các địa phương và các bên liên quan. Nếu được thiết kế phù hợp, quỹ trở thành cơ sở và công cụ hiệu quả để phát huy vai trò của Hội đồng điều phối vùng.
“Nếu chọn phương án này, TP.HCM và các tỉnh cần phải chuẩn bị kiến nghị để hình thành ý tưởng các dự án hạ tầng giao thông ưu tiên ở từng giai đoạn để đề xuất. Trong thời gian hình thành quỹ vùng, TP.HCM có thể tận dụng điều khoản tại nội dung thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TP.HCM.
Đó là HĐND TP.HCM quyết định sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa TP.HCM và địa phương khác, các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn thành phố… để thực hiện các công trình mang tính chất vùng, liên vùng”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đề xuất.
Sẽ nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng Đông Nam Bộ
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, tại hội nghị triển khai Nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24 cuối năm 2022, ông đã đề xuất cơ chế này và Ngân hàng Thế giới rất ủng hộ.
Sau đó, trong kết luận Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu phương án này nhưng sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, có thể đề xuất cho phép địa phương sử dụng ngân sách góp vào quỹ cộng với nguồn có thể vay quốc tế, nguồn ngân sách của Trung ương, nguồn tài trợ của doanh nghiệp để có thể triển khai.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, tại hội nghị trao đổi, phối hợp giữa UBND TP.HCM với UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ nhất vào tháng 3 vừa qua, các địa phương đã thống nhất triển khai đạt kết quả một số nội dung, nhất là việc phối hợp triển khai dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và các tuyến giao thông kết nối vùng.
Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục thảo luận về việc thúc đẩy các dự án mang tính kết nối vùng. Trong đó, tập trung quy hoạch phát triển đô thị sinh thái, đô thị cao cấp ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp dọc các tuyến đường liên kết vùng. Nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng Đông Nam Bộ với nguồn vốn hỗn hợp để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm của vùng.
Đồng thời, rà soát, khảo sát nguồn vật liệu ở khu vực có dự án giao thông kết nối đi qua, tổ chức khai thác các vật liệu xây dựng phù hợp, đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông trọng điểm. Nghiên cứu thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng và xây dựng bệnh viện tuyến cuối của vùng.
Tuấn Kiệt- Hồ Văn