Ngày 18.6.2023, tàu lặn Titan của công ty thám hiểm đại dương OceanGate bị nổ dưới lòng Đại Tây Dương khi đang trong hành trình tham quan xác tàu Titanic. Tai nạn chính thức được xác nhận sau đó 4 ngày sau một chiến dịch giải cứu thu hút sự quan tâm của thế giới.
Con tàu chở theo 5 người, gồm Tổng giám đốc OceanGate Stockton Rush. Trong một năm qua, nhiều giả thuyết đã được đưa ra liên quan vụ tai nạn. Mới đây nhất, một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Houston (Mỹ) được đăng trên chuyên san khoa học PNAS đã đưa ra những gợi ý mới về nguyên nhân của thảm kịch, theo tờ AS.
Theo nhóm nghiên cứu, nhiều điểm khiếm khuyết siêu nhỏ trên thân tàu có thể là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến vụ nổ.
“Sự nguyên vẹn của tàu lặn có thể đã giảm đi do sự hư hao đối với vật liệu được sử dụng làm lớp vỏ, vốn tích tụ dần sau nhiều hành trình trước đó”, trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường Roberto Ballarini nói.
Sự hao mòn qua thời gian đã dẫn đến thảm kịch dưới lòng Đại Tây Dương. Vật liệu làm thân tàu là sợi carbon tổng hợp và theo ông Ballarini, vật liệu này được biết đến rộng rãi là dễ bị bẻ cong và có thể bị tách ra dưới sức ép.
Các chuyên gia cho rằng thân tàu lặn Titan có thể đã chịu áp lực nén cực đại trong những chuyến thám hiểm trước đó. Việc này có thể gây suy giảm độ chắc chắn của tàu. “Cùng với những khiếm khuyết hình học không thể tránh khỏi trong quá trình sản xuất, những yếu tố trên có thể đã góp phần khiến cho con tàu oằn xuống và nổ”, các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nghien-cuu-he-lo-nguyen-nhan-khien-tau-lan-titan-no-185240618172047493.htm