Đối với người bị huyết áp cao nhẹ, một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí European Journal of Preventive Cardiology cho thấy tiêu thụ cà chua có thể giúp kiểm soát chứng bệnh này.
Nghiên cứu có sự tham gia của 7.056 người, 82,5% trong số họ bị tăng huyết áp. Dựa trên mức tiêu thụ cà chua hằng ngày, những người này được chia thành 4 nhóm: dưới 44 gram/ngày, từ 44 đến 82 gram/ngày, từ 82 đến 110 gram/ngày và hơn 110 gram/ngày.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người không bị huyết áp cao ăn nhiều cà chua hoặc thực phẩm làm từ cà chua có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp thấp hơn 36%, so với những người ăn dưới 44 gram cà chua/ngày.
Ở những người đã bị huyết áp cao, đặc biệt là những người bị tăng huyết áp độ 1, tiêu thụ cà chua vừa phải đã làm giảm huyết áp.
Cà chua ảnh hưởng huyết áp ra sao?
Trong cà chua có chứa lycopene và kali – những hợp chất có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi chứng cao huyết áp.
Tiến sĩ Rosa María Lamuela-Raventós, đồng tác giả nghiên cứu nói trên, cho rằng: “Lycopene là loại carotenoid dồi dào nhất trong cà chua. Nó không chỉ làm giảm enzyme chuyển angiotensin, mà còn thúc đẩy sản sinh oxit nitric trong nội mạc mạch máu, giúp hạ huyết áp và cải thiện lưu lượng máu”.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, kali giúp cân bằng nồng độ natri, điều hòa, cân bằng nước và hỗ trợ hạ huyết áp.
Cà chua tươi và cà chua nấu chín: Loại nào tốt hơn?
Tiến sĩ Lamuela-Raventós cho rằng cà chua có nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn khi được nấu chín.
“Tôi tin rằng các nghiên cứu lâm sàng trong tương lai nên xem xét việc chế biến cà chua và các kỹ thuật nấu ăn tại nhà, vì khả năng hấp thụ carotenoid và các chất chống oxy hóa khác (chẳng hạn polyphenol) sẽ tăng lên khi cà chua được nấu chín”, bà Lamuela-Raventós cho hay.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, ngoài cà chua, có nhiều loại trái cây và rau củ khác cũng có tác dụng hạ huyết áp. Trong đó, củ cải đường và atisô là nguồn cung cấp kali cao, ớt chuông đỏ và dưa hấu có hàm lượng lycopene cao.