Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: Trong hệ thống đào tạo ở nước ta, số lượng các trường đào tạo thuộc Bộ VHTTDL không nhiều, số sinh viên, học viên cũng không lớn nhưng lại giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo ra nguồn nhân lực tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao cho đất nước.
Theo Thứ trưởng, việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật được Bộ VHTTDL thực hiện từ năm 2021 nhưng do nhiều yếu tố khách quan, cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Điều này ảnh hưởng đến sự ổn định trong đào tạo một số ngành, nghề của Bộ VHTTDL, đặc biệt là khối nghệ thuật truyền thống.
“Lỗ hổng này dẫn đến việc thiếu lực lượng diễn viên nghệ thuật truyền thống trên toàn quốc. Bên cạnh đó, việc đào tạo văn hóa cho lực lượng học viên, sinh viên nghệ thuật truyền thống cũng vô cùng cần thiết. Có như vậy, phụ huynh mới an tâm, tin tưởng đưa con, em mình đến với các trường năng khiếu. Có lực lượng theo học, từ đó mới có được lực lượng tài năng”- Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.
Thứ trưởng cũng chỉ ra nhiều vấn đề đặc thù trong đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu về nghệ thuật như thời gian giảng dạy, hệ thống đào tạo được kế thừa bởi tinh hoa đào tạo nghệ thuật trên thế giới và áp dụng từ năm 1956 tại Việt Nam. Thứ trưởng mong muốn qua cuộc họp, các đại biểu sẽ rà soát, có những ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) cho biết: Căn cứ Thông báo số 8/TB-VPCP ngày 11/01/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật (dự thảo Nghị định); Trong Thông báo số 8/TB-VPCP có đề nghị Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các Bộ (Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội và các Bộ liên quan) tập trung vào 03 nội dung sau: Báo cáo rõ cơ sở pháp lý của quy định về phạm vi của dự thảo Nghị định; bổ sung báo cáo đánh giá tác động vào hồ sơ trình; Quy định cụ thể các hoạt động giáo dục thường xuyên mà cơ sở giáo dục đại học được tổ chức hoạt động; Xác định rõ thẩm quyền ban hành Danh mục các ngành chuyên sâu đặc thù và các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật; thẩm quyền bổ sung ngành, nghề mới vào Danh mục này.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thanh Sơn cho biết, Bộ VHTTDL đã rất kiên trì trong xây dựng dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Dựa trên căn cứ pháp lý của các luật: Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2018, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Ban soạn thảo đã rất cân nhắc để tìm ra nội dung liên quan và có thể áp dụng phù hợp đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật đó là áp dụng khoản 4 Điều 34 Luật Giáo dục 2019…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp; trao đổi với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội…; xây dựng Báo cáo đánh giá tác động chính sách nhằm hoàn thiện Dự thảo.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đóng góp ý kiến cho Dự thảo.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong công tác đào tạo nghệ thuật hiện nay.
Bộ VHTTDL rất cần một sự thấu hiểu, chia sẻ và chung tay tháo gỡ từ các Bộ, ngành liên quan để cho ra đời Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, giúp cho công tác đào tạo nghệ thuật đạt hiệu quả tốt nhất.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan của các Bộ Giáo dục- Đào tạo, Bộ LĐTBXH để hoàn thiện dự thảo Nghị định./.