Từ thế kỷ XVIII, trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã nói đến chữ “sành sứ”, khi chúng là chất liệu được sử dụng khá phổ biến trong trang trí các phủ chúa và nhà dân thời bấy giờ: “Vườn sau thì núi giả đá quý, ao vuông hồ quanh, cầu vòng thủy tạ, tường trong tường ngoài đều xây dầy mấy thước, lấy vôi và mảnh sành sứ đắp thành hình rồng, phượng, lân, hổ, cỏ hoa…”. Trong đời sống nghệ thuật dân gian và cung đình ở Huế, thuật ngữ khảm sành sứ đã được dùng từ lâu và trở thành một cách gọi thông thường chỉ về loại thể nghệ thuật trang trí cắt gọt, ép dán và ghép mảnh sành sứ lên bề mặt kiến trúc, tượng tròn đắp nề hay đồ vật, từ đó tạo nên những hình tượng nghệ thuật.