Sau buổi sáng làm việc, các chuyên gia người Nhật khuyến cáo nên nghỉ ngơi ít nhất 20 phút vào buổi trưa sẽ giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể và loại bỏ mệt mỏi.
Người Nhật thường ngủ trưa 20-30 phút để giúp tái tạo năng lượng. (Nguồn: Flickr) |
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Nhật Bản xếp hàng đầu trong danh sách các nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới.
Cụ thể, tuổi thọ trung bình của người dân Nhật Bản là 84,2 tuổi, trong đó nam giới là 81,1 tuổi và nữ giới là 87,1 tuổi. Bên cạnh các yếu tố về môi trường sống trong lành, các tiêu chuẩn về y tế nằm ở mức rất cao, bí quyết trường thọ của người Nhật không thể tách rời lối sống đặc biệt của họ.
Nhật Bản nổi tiếng là một đất nước chăm chỉ và có nhiều trường hợp làm việc quá tải. Tình trạng đáng báo động này dẫn đến việc ngày nay, những giấc ngủ ngắn tại công sở đã được khuyến khích thực hiện.
Lý do bởi theo các chuyên gia, người lao động được nghỉ ngơi tốt sẽ là người lao động hiệu quả, nó cũng giúp giảm tải căng thẳng trong công việc, cuộc sống hàng ngày.
Một nghiên cứu chỉ ra, người Nhật chỉ ngủ trung bình 6 giờ 35 phút mỗi đêm. Vì thường làm việc với khối lượng công việc khổng lồ, người Nhật thường tận dụng mọi cơ hội dù là ngắn ngủi để ngủ giúp tái tạo năng lượng.
Người Nhật có thuật ngữ “Inemuri” để chỉ cho những giấc ngủ ngắn, đó có thể là một giấc ngủ trong giờ nghỉ trưa hay trên phương tiện giao thông công cộng, trong công viên, trung tâm thương mại…
Một số quốc gia khác ví dụ như Tây Ban Nha có thuật ngữ “siesta”, đó là một giấc ngủ ngắn vào đầu buổi chiều. Ở Italy có thuật ngữ “riposo”. Văn hóa này cho phép người dân có thể ngủ một giấc ngắn vào buổi trưa.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh những giá trị sức khỏe mang lại của giấc ngủ trưa ngắn:
Chống bệnh tật, tốt cho tim mạch
Một nghiên cứu đáng chú ý được công bố trong tạp chí The New England Journal of Medicine đã khám phá mối liên quan giữa thói quen ngủ trưa và tuổi thọ ở người Nhật.
Nghiên cứu này đã theo dõi hàng nghìn người Nhật trong nhiều năm và tìm thấy rằng những người thường xuyên thực hiện giấc ngủ trưa có xu hướng sống lâu hơn, so với những người không thực hiện thói quen này.
Đặc biệt, người thực hiện ngủ trưa từ 20 đến 30 phút mỗi ngày thường có tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch và bệnh lý liên quan đến tuổi tác thấp hơn.
Nghiên cứu này cũng đã tìm ra một số tác động cụ thể của ngủ trưa lên sức khỏe. Một giấc ngủ trưa ngắn mỗi ngày có khả năng làm giảm áp lực máu và tạo ra hiệu ứng tích cực đối với hệ tuần hoàn.
Điều này có thể giải thích cho việc vì sao thói quen ngủ trưa có thể giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Nghiên cứu của Hội Thần kinh Mỹ (American Heart Association) cho thấy rằng việc ngủ trưa có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Người thường xuyên ngủ trưa có khả năng kiểm soát áp lực máu tốt hơn và giảm nguy cơ bệnh tim.
Tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần
Thói quen ngủ trưa cũng có tác động tích cực lên tâm lý và sức khỏe tinh thần. Nó giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi tích tụ trong suốt buổi sáng, cải thiện tinh thần làm việc và tạo ra cảm giác thư giãn.
Thói quen này giúp người Nhật duy trì tâm lý tốt và tạo niềm vui trong cuộc sống hàng ngày.
Tăng sức đề kháng, cải thiện trí nhớ
Một nghiên cứu từ Đại học California (Mỹ) vào năm 2015 đã chỉ ra rằng, việc có một giấc ngủ trưa ngắn có thể tăng sức đề kháng của cơ thể. Điều này giúp phòng ngừa các bệnh lý.
Một nghiên cứu từ Đại học Harvard vào năm 2008 đã phát hiện rằng, ngủ trưa giúp cải thiện trí nhớ và khả năng học tập. Điều này có thể giúp ích cho học sinh và người lao động cần phải tiếp thu thông tin mới mỗi ngày.