Mạng 2G được triển khai lần đầu tại Việt Nam vào năm 1993, mang đến bước đột phá lớn cho ngành viễn thông khi cho phép người dùng thực hiện cuộc gọi, nhắn tin và truy cập dữ liệu di động cơ bản. Tuy nhiên, sau hơn ba thập kỷ, công nghệ này đã trở nên lạc hậu trước sự phát triển mạnh mẽ của các thế hệ mạng mới như 4G, 5G và sắp tới là 6G.
Với tốc độ truyền tải dữ liệu chậm và các lỗ hổng bảo mật ngày càng bị khai thác nhiều, 2G đã không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng hiện tại. Đặc biệt, mạng 2G dễ dàng bị lợi dụng bởi các đối tượng tội phạm công nghệ cao, phát tán tin nhắn rác và thực hiện các chiêu trò lừa đảo qua SMS.
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện tại còn khoảng 700.000 thuê bao 2G Only đang hoạt động, chiếm chưa đến 1% tổng số thuê bao di động tại Việt Nam. Đa số những người dùng này là người cao tuổi, sống ở các khu vực vùng sâu, vùng xa và không có nhiều nhu cầu sử dụng các dịch vụ di động hiện đại.
Cụ thể, các nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone và MobiFone vẫn duy trì hàng trăm nghìn thuê bao 2G. Viettel hiện có khoảng 360.000 thuê bao 2G Only, VinaPhone có 150.000 và MobiFone có khoảng 47.919 thuê bao. Các mạng nhỏ hơn như Vietnamobile, ASIM, VNSKY, và Mobicast cũng vẫn duy trì một lượng nhỏ khách hàng sử dụng công nghệ cũ này.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lên kế hoạch tắt sóng 2G vào ngày 15/9/2024. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, thời hạn này đã được lùi lại một tháng, với thông tư số 10/2024/TT-BTTTT được ban hành ngày 13/9, điều chỉnh thời gian chính thức tắt sóng 2G sang ngày 15/10.
Quá trình truyền thông và hướng dẫn khách hàng 2G Only chuyển đổi sang các dịch vụ di động hiện đại đã được các nhà mạng nỗ lực thực hiện bằng nhiều phương thức, từ tiếp cận trực tiếp đến các biện pháp gián tiếp. Tuy nhiên, do đặc thù của tập khách hàng này, việc chuyển đổi gặp không ít khó khăn.
Nguồn: https://www.congluan.vn/ngay-mai-dien-thoai-2g-se-bi-vo-hieu-hoa-post316746.html