Bộ đội thường gọi đảo Trường Sa là “Trường Sa lớn” để phân biệt với “Trường Sa bé” là đảo Trường Sa Đông. Thế nhưng dù có gọi là gì chăng nữa thì ai cũng phải công nhận: Đảo Trường Sa là trung tâm của toàn quần đảo, bởi nơi đây đặt thị trấn Trường Sa của H.Trường Sa, Khánh Hòa.
Toàn cảnh đảo Trường Sa |
M.T.H |
Nhổ neo giữa giờ chiều, sau hơn 1 tiếng đồng hồ ra cửa vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), tàu 561 ở cảng to là thế, vẫn lắc như lên đồng bởi sóng to gió lớn.
Sau hơn 36 tiếng vật vã vượt sóng gió cấp 5 – 6 dập thùm thùm ngang thân tàu, chúng tôi cũng thấy đảo Trường Sa hiện ra giữa vùng biển trắng xóa sóng bạc đầu. Đang băn khoăn “sóng to thế này thì cập cảng thế nào” thì đã thấy con tàu rồ máy, rướn lên và sau mấy phút đã lọt thỏm vào âu tàu phía tây bắc của đảo rộng rãi, hết hẳn sóng to gió lớn.
Tàu 561 (Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 hải quân) cập cảng trong âu tàu đảo Trường Sa |
M.T.H |
Người dân ở Trường Sa bảo, đảo có 2 cảng là “cảng chùa” (nằm ở phía đông của đảo, ngay cạnh chùa Trường Sa) và “cảng trạm” (trong âu tàu, sau Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa).
Mùa “sóng yên biển lặng”, từ tháng 3 đến tháng 6 dương lịch, tàu thuyền ra đảo Trường Sa thường cập “cảng chùa”. Lúc giông gió mưa bão, cuối năm thì cập “cảng trạm”…
Âu tàu đảo Trường Sa là nơi tránh trú bão, đảm bảo hậu cần cho các phương tiện hoạt động trên biển |
M.T.H |
Riêng với các ngư dân Việt Nam thì âu tàu Trường Sa là “địa chỉ đỏ” trong việc tránh trú gió bão, nghỉ ngơi trong chuyến đi, cung cấp hậu cần nghề cá.
Thậm chí như anh Nguyễn Văn Phong (33 tuổi, nhà ở xã Phước Dinh, H.Thuận Nam, Ninh Thuận), thuyền trưởng tàu NTh – 90409 TS, vào dịp hè, anh đưa con trai Nguyễn Phạm Su Min (12 tuổi, đang học tiểu học) đi theo tàu đánh cá và ghé âu tàu đảo Trường Sa cho cậu con trai thăm ngắm đảo cả mấy ngày đêm để “thực biết biển đảo nước mình ra sao”…
Cậu bé Nguyễn Phạm Su Min chơi đá banh trên đảo Trường Sa |
M.T.H |
Lúc tàu 561 cập “cảng trạm”, các hộ dân trên đảo tíu tít ra nhận hàng tết được gửi từ đất liền. Từ gạo nếp, lá dong, heo gà… cho đến những cây mai đang nhu nhú nụ hoa.
Cây xanh được chuyển lên đảo Trường Sa, trồng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão |
M.T.H |
Ông Lâm Ngọc Vinh, chủ hộ dân số 5 (khu dân cư thị trấn Trường Sa) nấn ná đợi đến gần trưa để chờ nhận những cây phi lao giống. Vừa cùng chiến sĩ cụm chiến đấu 2 bốc cây lên xe, ông Vinh vừa cười hể hả: “Hôm rồi, TX.Hoài Nhơn, Bình Định gửi tặng Trường Sa vài nghìn cây dừa giống trồng khắp quần đảo. Cả nước góp sức phủ xanh Trường Sa, mình cũng đóng góp ít cây chuyên chắn gió cát, hơi mặn để bảo vệ các cây mới, trồng ngay dịp tết này”…
Một số hình ảnh về màu xanh trên đảo Trường Sa, ngày cuối năm.
Cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa nằm giữa màu xanh cây lá |
M.T.H |
Phiến đá trầm tích khắc bài thơ “Nam Quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, đặt trang trọng trước Sở chỉ huy đảo Trường Sa |
M.T.H |
Sức sống Trường Sa |
M.T.H |
Hoa cúc trắng trên đài quan sát của đảo |
M.T.H |
Kíp trực canh trên đài quan sát |
M.T.H |
Chiến sĩ trẻ đảo Trường Sa chỉ ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 in trên cuốn lịch của Báo Thanh Niên |
M.T.H |
Chiến sĩ cụm chiến đấu 2 – đảo Trường Sa, nhận bao lì xì của Báo Thanh Niên |
M.T.H |
Cổng chính thị trấn Trường Sa trên đảo Trường Sa |
M.T.H |
Cờ Tổ quốc trên nóc hội trường của đảo Trường Sa |
M.T.H |
…“Ngoài tiêu chuẩn, chế độ các ngày lễ tết theo quy định của Bộ Quốc phòng (mức tiền ăn thêm 65.000 đồng và 4 chiếc bánh chưng/người/ngày), bộ đội Trường Sa còn có quà tặng của Quân chủng Hải quân, Vùng 4 hải quân, Lữ đoàn 146 và quà tặng của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước.Đặc biệt, Quỹ học bổng Vừ A Dính tặng 700 triệu đồng và nhiều quà tặng hiện vật khác tới bộ đội Trường Sa, nhân dịp Tết nguyên đán Quý Mão”…
Thượng tá Lương Xuân Giáp
Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân
Nguồn: https://thanhnien.vn/ngay-cuoi-nam-o-truong-sa-1851543746.htm