“Phía trước khoảng cách 500, 600 và 200 có hai xà lan đi ngược chiều, một chiếc bên phải”, đó là câu nói qua bộ đàm của đồng chí Đào Hồng Anh (SN 1980, Hải Phòng) Tàu 636, Hải đội 137, Lữ đoàn 169, Vùng 1 Hải quân trong ngày 30 Tết thay vì câu hỏi vợ và hai con muốn mua cành đào hay chậu quất để trưng trong nhà Tết này như bao người chồng, người cha khác.
Đồng chí Đào Hồng Anh tâm sự, năm 2000, sau khi ăn Tết cùng gia đình, anh lên đường nhập ngũ và 6 tháng sau bàng hoàng nhận tin mẹ mất ở tuổi 49. Nhưng do điều kiện xa xôi, cách trở nên một năm sau anh mới trở về quê hương để thắp hương cho mẹ được.
Năm 2013, bố anh cũng xin lên chùa. Từ đó, mỗi bận về thăm nhà anh luôn mặc định hai việc phải làm đầu tiên là thắp hương cho mẹ và lên chùa thăm bố. Mấy năm nay, anh không về nhà đúng dịp Tết nên hai việc vừa nêu được “ủy quyền” cho vợ con và năm nay có lẽ cũng vậy…
Đồng chí Đào Hồng Anh (SN 1980, Hải Phòng) Tàu 636, Hải đội 137, Lữ đoàn 169, Vùng 1 Hải Quân khi đang làm nhiệm vụ ngày Tết. |
Theo lời đồng chí Đào Hồng Anh, tàu 636, trên Vịnh Bắc Bộ, từ tháng 10 – 12 hằng năm, đặc biệt là dịp giáp Tết sóng, gió rất lớn. Có những con sóng khiến cả tàu đều phải thức trắng đêm vì rung lắc quá mạnh. Nhưng sóng to, gió lớn đến thế nào mà chưa có lệnh vào tránh trú thì các anh vẫn luôn kiên cường bám biển, đồng đội tự động viên nhau cùng cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ trực, tuần tiễu khu vực biển, đảo được phân công, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ và thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất khác.
Trong đợt không khí lạnh vừa rồi, sóng biển cao 4 – 5m, có một chiếc tàu cá của ngư dân ở âu cảng Bạch Long Vỹ bị đứt neo. Phát hiện sự việc, ngay lập tức cán bộ, chiến sĩ tàu 636 đã lao đến ứng cứu trên tinh thần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ngư dân và cuối cùng đã kéo thành công tàu cho họ. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ trên tàu cũng quyên tặng cho ngư dân tàu cá gặp sự cố một số nhu yếu phẩm để họ an tâm đón Tết.
“Sau đó, ngư dân và gia đình đã gọi điện sang tàu để cảm ơn và nói rằng trên biển bao la, người chiến sĩ hải quân chính là điểm tựa cho họ an tâm ra khơi, kiếm kế sinh nhai. Nghe giọng nói chất phác, có đôi phần rưng rưng của ngư dân chúng tôi cảm nhận được sự biết ơn và quý trọng của bà con với người lính biển. Và điều đó chính là động lực để chúng tôi kiên trì bám biển”, đồng chí Đào Hồng Anh nói.
Còn với Trung tá Phạm Thế Tùng (SN 1976, Hải Phòng, lái tàu 636), do đặc thù công việc nên nhiều năm anh phải đón Tết xa nhà. Bởi lẽ, trong những ngày nghỉ Lễ, Tết lực lượng hải quân phải thực hiện nhiệm vụ nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo an ninh trên biển, để người dân vui xuân đón Tết.
Trung tá Tùng cho biết, anh công tác trong quân ngũ cũng đã ngót nghét gần 30 năm và trong suốt hành trình phục vụ trên biển của mình, có những kỉ niệm mà mỗi đợt Tết về anh không thể nào quên.
Trung tá Phạm Thế Tùng (SN 1976, Hải Phòng) Tàu 636, Hải đội 137, Lữ đoàn 169, Vùng 1 Hải Quân khi đang thực hiện nhiệm vụ trong khoang lái. |
Theo đó, năm 2019, lúc đang trên đường trở về sau chuyến thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển, tàu 636 nhận được nhiệm vụ đi cứu hộ, cứu nạn tàu cá của ngư dân Nghệ An bị tàu hàng đâm chìm cùng 19 thuyền viên tại khu vực cách phía Nam đảo Bạch Long Vỹ khoảng 34 hải lý.
Khi đến nơi, tàu của Trung tá Tùng phối hợp với đơn vị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cứu vớt, tiếp nhận 9 ngư dân còn sống để chăm sóc và nhường lại quần áo cho họ. Sau đó, cả tàu tiếp tục tổ chức tìm kiếm các ngư dân mất tích trong khu vực biển rộng gần 1.000 hải lý.
Hoạt động cứu hộ, cứu nạn diễn ra liên tục trong nhiều ngày, đêm, cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều nỗ lực quan sát tìm kiếm với hi vọng sẽ thấy được những ngư dân còn sống sót. Tuy nhiên, sau nhiều ngày chạy đua với thời gian, Trung tá Tùng và đồng đội đành ngậm ngùi chấp nhận việc không thể đưa những ngư dân mất tích về với gia đình.
Câu chuyện Trung tá Tùng kể cũng chính là hồi ức mà Thiếu tá Ngô Quang Hân (SN 1974, Hải Phòng) đã có 32 năm công tác trong quân ngũ luôn đau đáu. Bởi lẽ, trong số các nạn nhân vụ chìm tàu lần đó, có hai người là cha con. Tuy nhiên, thi thể người cha được tìm thấy còn người con thì mãi mãi nằm lại đáy biển sâu cùng với xác con tàu vỡ.
Thiếu tá Ngô Quang Hân (SN 1974) Tàu 636, Hải đội 137, Lữ đoàn 169, Vùng 1 Hải Quân cho rằng điều áy náy nhất với những người lính biển là không thể kịp thời cứu vớt được các ngư dân xấu số để gia đình họ đoàn viên mỗi mùa Tết về. |
“Có ngư dân sống sót kể rằng khi tàu bắt đầu chìm, trong lúc mọi người nhốn nháo tìm áo phao cứu hộ thì người cha vẫn cố gắng tìm con rồi kiệt sức trong cơn sóng dữ. Thời điểm tàu bị đâm, nhiều người đang ngủ trong khoang vì đêm trước thức trắng để câu hải sản và đánh lưới. Cộng thêm việc khi ấy sóng to, dưới biển có nhiều dòng hải lưu nên khi tàu bị chìm họ khó thoát ra ngoài.
Điều áy náy nhất với những người lính biển chúng tôi là không thể kịp thời cứu vớt được các ngư dân xấu số để gia đình họ đoàn viên mỗi mùa Tết về”, Thiếu tá Hân nghẹn ngào.
Trước thềm năm mới, Chuẩn Đô đốc Trần Xuân Văn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 1 Hải quân bày tỏ “biển có yên thì bờ mới tĩnh” và việc gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là trách nhiệm của người lính hải quân nhân dân Việt Nam nói chung và Vùng 1 Hải quân nói riêng.
“Chúng tôi luôn giáo dục cho bộ đội có một bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, thống nhất cao. Nhất là trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc luôn sẵn sàng tinh thần chiến đấu cao cùng với quan điểm vui xuân mới, không quên nhiệm vụ. Quyết giữ một môi trường biển hòa bình, ổn định và phát triển. Để nhân dân đón Tết vui vẻ, đầm ấm và hạnh phúc.
Qua đây, cho phép tôi được thay mặt cho cán bộ, chiến sĩ Vùng 1 Hải quân xin gửi tới bà con và chiến sĩ cả nước lời chúc năm mới vui vẻ, an khang, thịnh vượng và hạnh phúc. Chúc mừng năm mới”.
Sau lời chúc Tết của Chuẩn Đô đốc Trần Xuân Văn, có con tàu hối hả cập bến để ngư dân kịp về nhà quây quần bên mâm cơm đoàn viên cùng người thân, lại có con tàu chở theo những người lính biển như đồng chí Đào Hồng Anh, Trung tá Phạm Thế Tùng hay Thiếu tá Ngô Quang Hân gác lại những niềm vui ngày Tết để nhổ neo ra khơi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thân yêu.
Và trong đâu đó trên những boong tàu có tiếng hát cất lên “Chúng ta là người chiến sĩ hải quân. Ngại chi mưa sa, vượt qua phong ba bão táp. Đứng đầu sóng ngọn gió bảo vệ biển thân thương. Luôn mang trong mình tình yêu quê hương đất nước…”.