Chiều ngày 30/5, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 5 giữa các cơ quan, đơn vị trong Bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 5 của Bộ TTTT Ảnh Lê Anh Dũng

Phần lớn thời gian của Hội nghị lần này được người đứng đầu ngành TT&TT dẫn dắt để bàn bạc, thảo luận về việc các trưởng cơ quan, đơn vị trong Bộ sẽ chọn một mục tiêu cho mình trong 3 năm tới.

Đề nghị mỗi đơn vị, mỗi lĩnh vực suy nghĩ và nhận lấy một việc cụ thể, tạo ra giá trị để đóng góp vào sự phát triển của ngành, của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định đây cũng là cơ hội để các trưởng đơn vị ghi dấu ấn trong chặng đường hoạt động, “làm được một việc gì đó giúp ngành, đất nước, cho đời và cho chính mình”.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT Nguyễn Thiện Nghĩa Ảnh Lê Anh Dũng

Trao đổi tại Hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (ICT) tự đặt ra mục tiêu làm sao trong 3 năm tới, tham gia thúc đẩy để mỗi năm cho ra lò thêm khoảng 500.000 kỹ sư, cử nhân CNTT, góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao tại Việt Nam.

Với Cục Thông tin đối ngoại, Cục trưởng Phạm Anh Tuấn chia sẻ mong muốn tạo ra được một nền tảng phục vụ hơn 100 triệu người dân Việt Nam quảng bá hình ảnh Việt Nam tới 8 tỷ người trên thế giới. Hệ thống này sẽ là nơi tập hợp về truyền thông của hệ thống chính trị, của địa phương, của báo chí, của doanh nghiệp và người dân, trong đó trước hết là người dân Việt Nam và sau đó là người dân thế giới, để đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Theo ông Phạm Anh Tuấn, nếu truyền thông được sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, vị thế của Cục Thông tin đối ngoại cũng sẽ nâng lên.

Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Phạm Anh Tuấn chia sẻ về mong muốn tạo ra nền tảng phục vụ hơn 100 triệu người dân Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới Ảnh Lê Anh Dũng

Qua nghe ý kiến bày tỏ của người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã gợi mở về một số việc lớn, có ý nghĩa mà đơn vị, lĩnh vực có thể chọn làm. Đơn cử như, Cục Chuyển đổi số quốc gia nếu làm được việc mỗi công chức, viên chức có một trợ lý ảo thì sẽ giúp thay đổi Việt Nam. Cục An toàn thông tin có thể tập trung để làm tốt việc giám sát an toàn của hệ thống phần cứng cũng như các nội dung thông tin, hoặc đặt mục tiêu mỗi smartphone của người dân Việt Nam đều có một cái khóa bảo vệ.

Tương tự, với Cục Báo chí, Bộ trưởng gợi ý cân nhắc việc thúc đẩy hình thành các tập đoàn báo chí Nhà nước, có sức ảnh hưởng lớn và đưa hoạt động của các cơ quan báo chí lên nền tảng số. Hay với Cục Công nghiệp ICT, bên cạnh việc phát triển nguồn nhân lực, người đứng đầu ngành TT&TT đề xuất có thể đặt ra một con số cụ thể về mục tiêu tổng doanh thu các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thu được từ thị trường nước ngoài vào năm 2025.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao việc tạo dấu ấn cho các trưởng đơn vị là cách tiếp cận hay để họ phải dùng công nghệ để tối ưu hóa công việc của mình Ảnh Lê Anh Dũng

Đặc biệt, trong kết luận Hội nghị, người đứng đầu ngành TT&TT đã nhắc đến tinh thần đổi mới, quyết định đi vào những chỗ hiện đại nhất, học hỏi và dám dấn thân, mạo hiểm chọn đi thẳng vào công nghệ hiện đại của “chú Ba Thân” thời đổi mới ngành viễn thông Việt Nam.

Lúc đó, công nghệ analog chiếm 98% thị phần trên thế giới còn công nghệ số mới chỉ chiếm 2%. Thế nhưng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân cùng tập thể lãnh đạo Tổng cục đã có quyết định táo bạo, dũng cảm là bỏ tổng đài analog, chọn công nghệ digital, đi thẳng vào hiện đại hóa. Chính quyết định này đã tạo nên cuộc cách mạng trong ngành Bưu điện.

Khẳng định không đi vào vùng 2% thì Việt Nam không phát triển được, người đứng đầu ngành TT&TT đề xuất các trưởng đơn vị “Quay lại đúng thời chú Ba Thân, thời đó làm như thế nào thì làm đúng thế”“Ngành này, lĩnh vực này có được ngày hôm nay là nhờ cách đây gần 40 năm chúng ta đã đi vào vùng 2%”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, người đã có những đóng góp quan trọng, đưa ngành Bưu điện trở thành lĩnh vực tiên phong trong công cuộc đổi mới đất nước, vừa qua đời ngày 24/5/2023,  tại TP.HCM hưởng thọ 92 tuổi.

Đổi mới viễn thông

Đổi mới viễn thông lần thứ nhất cách đây đã hơn 35 năm. Là chuyển đổi thiết bị viễn thông, hạ tầng viễn thông từ thế hệ cũ, lạc hậu analog sang thế hệ số. Cuộc đổi mới lần một đã xây dựng hạ tầng viễn thông Việt Nam hiện đại, đã giải quyết bài toán thông tin liên lạc cho toàn dân. Linh hồn, hạt nhân lãnh đạo của đổi mới lần một là Tổng cục trưởng Đặng Văn Thân – Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Đại biểu Quốc hội, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Người trong ngành gọi một cách rất thân thương là anh Ba Thân, chú Ba Thân.

Đổi mới viễn thông lần thứ hai là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số – hạ tầng của nền kinh tế số. Có thể coi đổi mới lần hai này là sự chuyển dịch qui mô lớn nhất, thay đổi bản chất của ngành viễn thông, mở ra không gian mới vô cùng to lớn cho ngành viễn thông, lớn hơn rất nhiều lần không gian thông tin liên lạc. Ý nghĩa của ngành viễn thông đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng vì thế mà lớn hơn rất nhiều. Cơ hội cũng lớn hơn rất nhiều. Thị trường cũng lớn hơn rất nhiều. Trách nhiệm cũng lớn hơn rất nhiều. Ngành viễn thông đảm nhận một sứ mệnh mới: Xây dựng hạ tầng số hiện đại, bao gồm hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, mở, thông minh và an toàn.

Những bài học của cuộc đổi mới lần một của thế hệ Tổng cục trưởng Đặng Văn Thân sẽ vẫn còn nguyên giá trị cho lần hai này, đó là: Hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới, làm chủ công nghệ, quyết sách sáng suốt có tầm nhìn xa, huy động mọi nguồn lực, điều hành quyết liệt và qua thử thách này mà hình thành một thế hệ cán bộ giỏi cho ngành, cho đất nước.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Vietnamnet.vn