(TN&MT) - Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 12,16%, vượt kế hoạch và đứng thứ 2 cả nước. Để đạt kết quả này, ngành Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã nỗ lực thực hiện, đóng góp một phần quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh trong năm qua - năm “bản lề” để Thanh Hóa vươn lên hội nhập cùng với cả nước.
Năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song, với tinh thần “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển” Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Trung ương, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và đạt được những kết quả tích cực. Trong thành quả chung đó, sự nỗ lực và đóng góp của ngành Tài nguyên và Môi trường không hề nhỏ, để lại những dấu ấn đáng nhớ trong năm 2024.
Điểm tựa đất đai
Trong công tác quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu, trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về việc chấp thuận bổ sung danh mục các công trình, dự án phải thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh năm 2024, làm cơ sở cho việc hoàn thiện hồ sơ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đúng quy định pháp luật hiện hành.
Năm 2024, ngành Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 về Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Tổ chức thực hiện các chính sách thu nhập, tiền lương, tiền công theo đúng quy định của Nhà nước. Vận dụng sáng tạo mô hình “Lãnh đạo công - Quản trị tư”, “Đầu tư công - Quản lý tư” và “Đầu tư tư - Sử dụng công” trong đầu tư, quản lý nguồn ngân sách Nhà nước. Thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính công; nâng cao hiệu quả thực hiện chế độ tự chủ tài chính hiệu quả với cơ chế tiết kiệm, chống lãng phí.
Sở đã tập trung tổ chức hoàn thành thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 cho 27/27 huyện, thị xã, thành phố. Trình UBND tỉnh cho thuê đất 100 dự án, diện tích 874,4ha; giao đất không thu tiền sử dụng đất 21 dự án, diện tích 57,5ha; giao đất có thu tiền sử dụng đất 9 dự án, diện tích 15,5ha; giao đất cho Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn thực hiện chức năng, thẩm quyền quản lý đất đai đối với 16 dự án, diện tích 198,9ha. Ký 133 Hợp đồng thuê đất. Trình UBND tỉnh cấp 263 Giấy chứng nhận quyền quyền sử dụng đất cho tổ chức theo quy định.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) được tập trung chỉ đạo quyết liệt; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 2 về GPMB các dự án đầu tư có sử dụng đất năm 2024; Quyết định về kiện toàn các đoàn kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện Kế hoạch GPMB để thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, các khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn, tháo gỡ, giải quyết. Đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Đoàn kiểm tra đẩy nhanh tiến độ GPMB và giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại các dự án. Về đăng ký cấp Giấy chứng nhận, đăng ký biến động đất đai: Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận và xử lý trên hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai là 186.134 hồ sơ.
Tổng hợp, rà soát, trình UBND tỉnh phê duyệt Danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã đấu giá 312/892 dự án; diện tích đã đấu giá 128,56 ha/818,52ha (đạt 15,7%KH); số tiền thu được: 10.156 tỷ đồng/22.877 tỷ đồng (đạt 44,4%KH); Diện tích đấu giá 11 tháng đầu năm 2024 tăng 2,3 lần (128,56ha/55,1ha) so với cùng kỳ năm 2023; Số tiền trúng đấu giá tăng 2,9 lần (10.156 tỷ đồng/3.525 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, năm 2024 cũng là một năm đáng nhớ đối với ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung khi Luật Đất đai 2024 chính thức được thi hành, mang theo nhiều kỳ vọng giúp khơi thông nguồn lực, là bước đệm phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, thực hiện Quyết định số 1342/QĐ-UBND ngày 05/4/2024 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; đến nay, 27/27 đơn vị cấp huyện ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 cấp huyện và thực hiện tổ chức, tuyên truyền những điểm mới của Luật theo kế hoạch.
Về triển khai thi hành Luật Đất đai cấp tỉnh: Theo kế hoạch, việc triển khai thực hiện thi hành Luật Đất đai cấp tỉnh đã được triển khai, giới thiệu những điểm mới của Luật do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Thanh Hóa đến các ngành vào ngày 06/3/2024; Đặc biệt ngày 02/7/2024, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ chủ chốt toàn tỉnh quý II, năm 2024 (từ tỉnh đến cơ sở) bằng hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến về những điểm mới của Luật Đất đai do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường truyền đạt. Do đó, việc quán triệt thi hành Luật Đất đai cấp tỉnh và các nghị định thi hành, đặc biệt là giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật và các Nghị định số: 101, 102, 71, 88/NĐ-CP.
Đối với công tác quản lý tài nguyên nước: phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện nhiệm vụ “Kiểm kê tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn đến năm 2025”. Thẩm định, trình UBND tỉnh cấp 36 giấy phép khai thác nước mặt; 28 giấy phép khai thác nước dưới đất; 10 giấy phép thăm dò nước dưới đất. So sánh với cùng kỳ năm 2023: Giấy phép khai thác nước mặt tăng 15 giấy phép (tăng 71,4%); Giấy phép khai thác nước dưới đất tăng 12 giấy phép (tăng 75%); Giấy phép thăm dò nước dưới đất giảm 1 giấy phép (giảm 9,09%). Công tác thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Không có trường hợp giải quyết quá thời hạn quy định. Đã thực hiện cắm được 105 mốc và tiến hành nghiệm thu bàn giao cho xã quản lý.
Chú trọng môi trường - Siết chặt quản lý tài nguyên
Công tác bảo vệ môi trường (BVMT), phê duyệt Đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh đến năm 20304; ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 27/5/2024 về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học; Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2024 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 36/2024/QĐ-UBND ngày 23/7/2024 về việc ban hành quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ước đạt 12,16%, vượt kế hoạch và đứng thứ 2 cả nước (chỉ sau tỉnh Bắc Giang tăng trưởng 13,85%). Đặc biệt, năm 2024 thu ngân sách Nhà nước ước đạt 54.341 tỷ đồng, vượt 52,8% dự toán, tăng 25,9% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước. Hoạt động đầu tư công được tập trung chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả; đến ngày 30/11/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đạt 10.300 tỷ đồng, bằng 71,3% kế hoạch, cao hơn 6,2% so với cùng kỳ...
Trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng về công tác BVMT trên địa bàn toàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động BVMT hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024 tại huyện Thường Xuân.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin phục vụ triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Thanh Hóa năm 2024 với chủ đề “Hiện trạng môi trường đô thị và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa - Thực trạng và giải pháp”.
Đã có Công văn số 309/STNMT-BVMT ngày 11/01/2024 hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh và giao chỉ tiêu thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại năm 2024.
Trên cơ sở kết quả thực hiện của các huyện, thị xã, thành phố, ước tính tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trong năm 2024 là: 914.351,3 tấn (tương đương 2.505 tấn/ngày), khối lượng rác thu gom và xử lý là 842.117,6 tấn (tương đương 2.307,2 tấn/ngày), đạt 92,1%; trong đó, khối lượng CTRSH được xử lý bằng công nghệ đốt là 213.932,2 tấn (đạt 25,4%), khối lượng CTRSH được xử lý bằng biện pháp chôn lấp là 527.321,1 tấn (đạt 62,6%), khối lượng CTRSH được tái chế, xử lý khác là 101.868,3 tấn (đạt 12,0%); phần CTRSH chưa thu gom tập trung được UBND các huyện hướng dẫn người dân tự thu gom, xử lý tại chỗ. So sánh với chỉ tiêu kế hoạch được giao theo Quyết định số 5050/QĐ-UBND ngày 28/12/2023 của UBND tỉnh (tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 91,5%. Trong đó: Tỷ lệ đốt đạt 29,6%; tỷ lệ chôn lấp 67%), kết quả thực hiện trong năm 2024, tỷ lệ thu gom, xử lý cao hơn kế hoạch được giao 0,6%, tỷ lệ đốt giảm 4,2%, tỷ lệ chôn lấp giảm 4,5%.
Qua thống kê có 18 địa phương có tỷ lệ thu gom, xử lý đạt từ 90% đến dưới 100% (TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, TX. Bỉm Sơn, TX. Nghi Sơn, các huyện: Thọ Xuân, Đông Sơn, Nông Cống, Triệu Sơn, Hà Trung, Yên Định, Thiệu Hoá, Vĩnh Lộc, Quảng Xương, Hoằng Hoá, Hậu Lộc, Nga Sơn, Như Xuân, Như Thanh); có 9 địa phương có tỷ lệ thu gom, xử lý đạt từ 70 - 90% (huyện: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Như Thanh, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát).
Tỷ lệ xử lý CTRSH bằng phương pháp đốt giảm 4,2% và tỷ lệ chôn lấp giảm 4,5% so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân do UBND các huyện đang triển khai các mô hình phân loại CTRSH tại nguồn theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 17655/UBND-NN ngày 21/11/2023 nên khối lượng CTRSH được tái chế tăng lên, đạt 12% (năm 2023 đạt 4,7%). Trong năm 2024, tổ chức thẩm định cấp giấy phép môi trường đối với 115 dự án, cơ sở; thẩm định 117 báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Về công tác quản lý tài nguyên và khoáng sản, tham mưu UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trình UBND tỉnh ban hành Quyết định: số 07/2024/QĐ-UBND ngày 26/02/2024 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 3029/2017/QĐ-UBND ngày 17/8/2017; số 3859/QĐ-UBND ngày 26/9/2024 quy định hệ số quy đổi từ tấn sang mét khối (m3) đối với các mỏ khoáng sản làm nguyên liệu xi măng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trình UBND tỉnh ban hành quyết định hồ sơ cấp phép, đóng cửa mỏ: Cấp 19 giấy phép thăm dò khoáng sản (tăng 111% so với cùng kỳ, cấp 9 giấy phép); cấp 19 Giấy phép khai thác khoáng sản, tăng 216,67% so với cùng kỳ 2023 (cùng kỳ 2023 là 6 giấy phép); phê duyệt trữ lượng 6 mỏ (tăng 50% so với cùng kỳ); thu hồi, đóng cửa 9 mỏ (giảm 289% so với cùng kỳ).
Đã đấu giá thành công 38 mỏ, cụ thể: 18 mỏ đá với trữ lượng + tài nguyên dự báo: 70.000.000m3; 13 mỏ đất san lấp với trữ lượng + tài nguyên dự báo: 15.000.000m3; 04 mỏ cát với tài nguyên dự báo: 5.600.000m3; 2 mỏ đất sét làm gạch tuynel với trữ lượng: 1.947.664m3; 1 mỏ đá cát kết làm gạch men với tài nguyên dự báo: 2.510.000m3. Hiện nay đang tiếp tục tổ chức đấu giá 9 mỏ khoáng sản.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cải cách hành chính
Trong năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã tiếp 22 lượt công dân tại Sở, tổng số người được tiếp 24 người (giảm 6 lượt tiếp so với cùng kỳ năm 2023). Tiếp dân tại UBND tỉnh: Cùng Lãnh đạo Sở tham dự tiếp dân định kỳ vào ngày 15, 20 hàng tháng với Bí Thư Tỉnh ủy, Lãnh đạo UBND tỉnh. Tổng số đơn thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh giao phải giải quyết là 43 đơn (32 đơn khiếu nại, 2 đơn tố cáo, 9 đơn kiến nghị). Trong đó: Tổng số đơn mới nhận trong kỳ báo cáo: 41 đơn (30 đơn khiếu nại, 2 đơn tố cáo, 9 đơn kiến nghị); Tổng số đơn từ năm 2023 chuyển sang: 2 đơn khiếu nại. Kết quả giải quyết: Đã hoàn thành và có kết luận, báo cáo UBND tỉnh 39 đơn; Đang xác minh, hoàn chỉnh báo cáo: 4 đơn. Kết quả giải quyết đạt 90,7%.
Kiểm tra việc sử dụng đất, thực hiện đầu tư dự án của 18 tổ chức, doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra việc sử dụng đất, thực hiện dự án đối với 50 tổ chức, doanh nghiệp đã hết thời gian gia hạn tiến độ sử dụng đất 24 tháng, gia hạn sử dụng đất do bất khả kháng theo kế hoạch của Sở.
Thực hiện kiểm tra đột xuất trong lĩnh vực tài nguyên môi trường đối với 72 đơn vị trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Tỉnh ủy (giảm 88 đơn vị so với cùng kỳ năm 2023); trong đó có 1 Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành, tuân thủ pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và các vấn đề khác liên quan đối với 44 doanh nghiệp, hộ kinh doanh thu mua, sản xuất chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện Như Thanh theo Quyết định số 615/QĐ-STNMT ngày 04/10/2024.
Đã ban hành theo thẩm quyền và trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền 40 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 41 tổ chức (38 Quyết định phạt tiền, 3 Quyết định phạt cảnh cáo), với tổng số tiền xử phạt 4.042,923 triệu đồng. Đến nay, đã có 20/38 tổ chức chấp hành nộp tiền với số tiền 2.483,451 triệu đồng.
Trong năm, Sở đã ban hành Quyết định số 11/QĐ-STNMT ngày 02/01/2024 về Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024. Tập trung giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh
nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực ngành tạo điều kiện cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực đất đai; theo đó, đã cắt giảm 40% thời gian giải quyết (từ 50 ngày xuống còn 30 ngày) so với thời gian quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh đối với thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư công; Cắt giảm 30% thời gian giải quyết (từ 50 ngày xuống còn 35 ngày) so với thời gian quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh đối với thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án còn lại.
Đã tập trung giải quyết các TTHC, bảo đảm duy trì tỷ lệ giải quyết đúng hạn từ 98% trở lên; 100% hồ sơ TTHC đủ điều kiện được giải quyết trực tuyến toàn trình, trực tuyến một phần và được số hóa kết quả giải quyết 100% các hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết tại các cơ quan, đơn vị được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện. Nhìn chung, Bộ phận Một cửa của Sở nằm tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, được trang bị đảm bảo cơ sở vật chất cần thiết để thực hiện. Kết quả tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức liên quan đến quy định TTHC được xử lý kịp thời…
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/nganh-tn-mt-tao-suc-bat-de-thanh-hoa-phat-trien-ben-vung-386131.html
Bình luận (0)