Phân bón là một trong những ngành tích cực ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất và đã mang lại những kết quả nhất định.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phùng Hà – Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam – khẳng định: Hưởng ứng tích cực chủ trương ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhất là Quyết định số 2795/QĐ-BCT ngày 30/10/2023 về Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030, những năm qua, các doanh nghiệp trong ngành phân bón đã tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Xin ông cho biết xu thế phát triển của ngành phân bón trong giai đoạn hiện nay?
Ông Phùng Hà – Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: ST |
Việc gia tăng khí nhà kính như CO2, CH4, N2O, các khí CFC… do hoạt động sản xuất công nghiệp, phá rừng, sử dụng nguồn nước cũng như các loại khí độc hại khác là nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu. Nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhưng nông nghiệp là ngành phát sinh các khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai chỉ sau ngành năng lượng, ảnh hưởng tiêu cực đến biến đổi khí hậu, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực trồng lúa nước, chăn nuôi, quản lý đất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Sản lượng nông nghiệp toàn cầu sẽ giảm 50% nếu không sử dụng phân bón, trong khi đó khoảng 2,5% – 5% (tùy theo từng quốc gia) tổng lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến phân bón. Phân bón ảnh hưởng đến khí nhà kính từ khâu sản xuất và khâu sử dụng, trong phần này chúng tôi đề cập chủ yếu đến khâu sản xuất phân bón.
Nhằm giảm thiểu khí nhà kính trong sản xuất phân bón, việc đầu tiên là cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, tiếp theo tập trung vào việc tìm kiếm các phương pháp tổng hợp amoniac được sản xuất bằng năng lượng tái tạo thay vì năng lượng tái tạo.
Không nằm ngoài xu hướng chung của nền kinh tế và nền sản xuất công nghiệp, xu hướng phát triển ngành ngành phân bón hiện nay đang hướng tới giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính kể cả ở hai khâu sản xuất và sử dụng, nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.
Các doanh nghiệp trong ngành phân bón đã tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Ảnh: ND |
Được biết, để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngành phân bón đã và ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm phân bón xanh và giảm tác động đến môi trường. Xin ông chia sẻ thêm về nội dung này?
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thời gian qua, ngành phân bón đã tích cực hưởng ứng xu hướng xanh hóa sản xuất, tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào sản xuất, nhằm:
Thứ nhất, phát triển các loại phân bón hữu cơ, phân bón sinh học có khả năng giảm lượng khí thải từ 10-20% hoặc cao hơn.
Thứ hai, sử dụng các loại phân bón hiệu quả cao (Enhanced Efficiency Fertilizer – EEF) như phân bón giải phóng chậm (Slow release fertilizer), phân bón giải phóng có kiểm soát (Controled release fertilizer).
Thứ ba, sử dụng phụ gia trong phân bón để ứng phó với biến đổi khí hậu như chất ổn định nitơ (Nitrogen Stabilizer), chất ức chế urease (Urease Inhibitor), chất ức chế nitrat hóa (Nitrification Inhibitor), chất ức chế enzym urease (UI).
Thứ tư, sản xuất phân bón hòa tan hoàn toàn trong nước, nhằm cung cấp ngay lập tức các chất dinh dưỡng thiết yếu, thúc đẩy sinh trưởng và phát triển nhanh chóng, nâng cao hiệu quả của phân bón, giảm thiểu khí nhà kính và ảnh hưởng đến môi trường.
Thứ năm, phân nhóm các chất có hoạt tính kích thích sinh học như humic acid, lvic acid, các dạng hợp chất vô cơ như các nguyên tố có lợi, vi khuẩn có lợi giúp cây phát triển rễ, tăng cường sự hấp thu chất dinh dưỡng và tăng khả năng chống chịu stress môi trường.
Thứ sáu, sản xuất phân bón đa chức năng như tổ hợp phân bón – thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường.
Các doanh nghiệp trong ngành Công Thương tích cực nghiên cứu và ứng dụng thành công khoa học – công nghệ vào sản xuất. Ảnh: ST |
Cụ thể, những doanh nghiệp nào đã ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất và phát triển các loại phân bón như đã nêu ở trên, thưa ông?
Có rất nhiều doanh nghiệp phân bón, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành Công Thương tích cực nghiên cứu và ứng dụng thành công khoa học – công nghệ vào sản xuất và sử dụng phân bón, dưới đây là một số dẫn chứng cụ thể: Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã phát triển bộ giải pháp dinh dưỡng tổng hợp với công nghệ Bio-coating, công nghệ phức hợp Humate, công nghệ sinh học và công nghệ cao, công nghệ phân bón nhả chậm (CRF và SRF), công nghệ BioMix… để phát triển các dòng phân bón mang lại hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng và khả năng chống chịu sâu bệnh cho cây trồng, đồng thời giúp giảm khí nhà kính. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ Bio-coating đã giúp PVCFC tạo ra các dòng sản phẩm đạm tiết kiệm (N.46 Plus), đạm kích kháng (N46. True), đạm sinh học (N.46 Rich), đạm vi sinh (Urea BiO) giúp giảm lượng phân đạm ure bón từ 15-20%, phù hợp với các chương trình giảm khí phát thải nhà kính nói chung và tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao (LAFCHEMCO) đã nghiên cứu, sản xuất và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm phân bón mới có chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và phát triển theo xu hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường như phân bón hữu cơ khoáng, phân hữu cơ khoáng vi sinh, phân bón vô cơ bổ sung vi sinh, trong đó có một số loại hợp tác với Công ty Biowish Việt Nam.
Công ty Phân bón Việt Nhật (Japan – Vietnam Fertilizer Company, JVF) tăng cường phát triển phân bón sử dụng chitosan như một dạng phân bón tan chậm, chitosan là một cation polymer có khả năng phân hủy sinh học đồng thời hấp thu sinh học, có khả năng diệt vi khuẩn có hại.
Công ty CP Phân bón Bình Điền: Công ty đã thành công trong việc phát triển dòng sản phẩm Đầu Trâu + Agrotain giúp tiết kiệm lượng bón từ 25 – 30% và sản phẩm phân bón Đầu Trâu 46 P+ giúp giảm lượng bón từ 40 – 50% so với phân DAP. Hiện tại, công ty sản xuất trên 100 mặt hàng phân bón các loại. Gần nhất, công ty đã thành công trong việc nghiên cứu và cho ra đời dòng sản phẩm Đầu Trâu Bio nhằm khắc phục một số tồn tại của đất lúa Đồng bằng sông Cửu Long như phèn, xâm nhập mặn, ngộ độc hữu cơ.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://congthuong.vn/nganh-phan-bon-tich-cuc-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-vao-san-xuat-363755.html